Bờ biển Đà Nẵng lại bị sạt lở

Môi trường - Ngày đăng : 16:17, 06/01/2021

(TN&MT) - Trong vòng 1 tháng vừa qua, tuyến bờ biển du lịch thuộc 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) tái xuất hiện hiện tượng bị xâm thực gây sạt lở. Đặc biệt, trong 3 ngày vừa qua, không những chân bờ biển bị hút cát ra xa gây xói lở nghiêm trọng, một số vị trí trên vỉa hè cũng bị sụt lún tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân và du khách.

Theo những hộ dân sinh sống và kinh doanh dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, hiện tượng sạt lở bờ biển ở Đà Nẵng xuất hiện theo mùa từ nhiều năm nay. Có năm sóng đánh trôi cả những đoạn kè bê tông, đá hộc lớn của một số cống thoát nước, cuốn trôi cơ sở vật chất của các bãi tắm.

Bờ biển đoạn phía trước khách sạn Mường Thanh, quận Ngũ Hành Sơn bị xâm thực

Năm nay lần đầu tình trạng xâm thực xuất hiện ở nhiều điểm, kéo dài dọc tuyến đường ven biển đi qua nhiều phường. “Suốt chiều dài từ đường Võ Nguyên Giáp kéo qua đường Trường Sa, các bãi tắm đều bị xâm thực, nhiều khu nghỉ dưỡng, công trình đang xây dựng bị uy hiếp. Có đoạn sóng đánh vào chân kè chắn, lòi gốc cây dừa dọc bờ cát. Cứ sau một ngày, hiện trường lại trông nghiêm trọng hơn”, anh Nguyễn Duy An - bảo vệ một khách sạn tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn cho biết.

Theo quan sát, các khu vực như trước quán nhậu Bé Mặn thuộc bãi biển Mân Thái, trước khách sạn Mường Thanh, Dana Beach, khu nghỉ dưỡng The Song, Melia… chân kè đường bị sóng đánh nham nhở, có nơi tạo hàm ếch, có thể sập cả hàng chục khối cát bất cứ lúc nào. Một nhân viên chăm sóc cây cảnh tại khu nghỉ dưỡng The Song cho hay, bình thường mực nước biết cách ranh giới của dự án khoảng 200m, nhưng thời gian qua sóng “trườn” vào lôi cát đi khiến cây lòi gốc, một số cây dừa bị hụt chân ngã xuống bị sóng cuốn trôi. Các vị trí có bờ kè bêtông không liền khối cũng bị sóng đánh bay khỏi các vị trí ban đầu.

Ông Trần Đại Nghĩa - Phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện tượng xâm thực năm nay không theo quy luật của các năm trước mà xuất hiện muộn hơn. Khoảng giữa tháng 12-2020, Ban đã ghi nhận hiện tượng xói mòn các bãi cát ở mức bình thường nhưng đến những ngày đầu tháng 1-2021, hiện tượng trở nên nghiêm trọng hơn và số lượng các vị trí bị sạt lở nặng do sóng đánh cũng nhiều hơn, kéo dài qua nhiều địa bàn.

Nhiều đoạn caayy đổ ngã

Qua khảo sát, Ban đã ghi nhận có 4 điểm sạt lở mạnh gồm đường Võ Nguyên Giáp (đoạn nối từ đường Lê Văn Thứ đến Nguyễn Huy Chương), các bãi tắm số 1-2-3, khu vực bãi biển T18 và bãi tắm Sơn Thủy. “Điều đáng lưu ý là những ngày qua không có mưa lớn nhưng bờ biển vẫn sạt lở. Cơ quan chức năng cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể để tìm ra giải pháp cứu bờ biển vốn là sản phẩm du lịch mang thương hiệu của Đà Nẵng.

Nếu để đến mức như bờ biển Hội An thì sẽ rất khó khăn. Bây giờ thì chúng tôi chỉ có thể báo cáo cơ quan chức năng và tiến hành căng dây cảnh báo sạt lở, cắm bảng cấm tắm, cử lực lượng thường xuyên nhắc nhở người dân và du khách, không đi lại, tắm biển ở các khu vực nguy hiểm”, ông Nghĩa cho hay.

Tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng đã yêu cầu cơ quan chức năng của Sở phối hợp chính quyền các địa phương sớm có khảo sát, nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân của hiện tượng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng đồng thời đề xuất phương án khắc phục, ứng phó.

Hố sạt lở bên bờ biển trên đường Võ Nguyên Giáp tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân và du khách

“Những ngày qua người dân đang rất quan tâm và lo lắng về câu chuyện này. Đà Nẵng mà không còn bãi biển thì không còn là Đà Nẵng từng khiến du khách ấn tượng và thích thú nữa”, ông Quảng nhấn mạnh tầm quan trong của bãi biển đối với du lịch thành phố.

Hố sạt lở bên bờ biển trên đường Võ Nguyên Giáp tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân và du khách

 

 

Xuân Lam