Các chuyên gia cảnh báo hạn chế tối đa bếp đốt củi

Thế giới - Ngày đăng : 08:54, 03/01/2021

(TN&MT) - Các nhà vận động và các chuyên gia y tế kêu gọi những người có hệ thống sưởi thay thế không sử dụng bếp đốt củi trong mùa đông này nhằm hạn chế tác động của loại bếp này đối với sức khỏe cộng đồng.

Thị trường Anh tiêu thụ khoảng 175.000 bếp đốt củi mỗi năm. Ảnh: Phil Holden / Alamy

Mới đây, The Guardian cho biết lò đốt củi làm tăng gấp ba lần nồng độ các hạt độc hại trong nhà cũng như tạo ra mức độ ô nhiễm nguy hiểm cho khu vực lân cận.

Hiện các chuyên gia tại Tổ chức Bệnh hen suyễn Vương quốc Anh và Tổ chức Đối tác Phổi Anh đang yêu cầu những người có lò đốt củi chỉ sử dụng chúng nếu họ không có bếp khác thay thế. Sarah MacFadyen, trưởng bộ phận chính sách của tổ chức trên cho biết: “Đốt củi và than sẽ giải phóng các chất dạng hạt mịn (PM2.5) – loại hạt gây ô nhiễm không khí đáng lo ngại nhất đối với sức khỏe con người. Do đó, điều quan trọng là phải xem xét các lựa chọn nhiên liệu ít ô nhiễm hơn để sưởi ấm hoặc nấu ăn, đặc biệt nếu than hoặc củi không phải là nguồn nhiên liệu chính”.

Bếp củi ngày càng phổ biến trong những năm gần đây và theo ước tính, bếp củi và bếp than gây ra gần 40% mức độ ô nhiễm dạng hạt ngoài trời cũng như tạo ra không khí độc hại trong nhà. Theo số liệu của chính phủ Anh năm 2016, gần 16% người dân ở phía Đông Nam nước Anh và 18% ở Bắc Ireland sử dụng nhiên liệu gỗ và thị trường Anh tiêu thụ khoảng 175.000 bếp đốt củi mỗi năm.

Tuy nhiên, một nhóm nghiên cứu cho biết ô nhiễm không khí có thể gây hại cho mọi cơ quan trong cơ thể, với các tác động bao gồm bệnh tim và phổi, tiểu đường, sa sút trí tuệ, giảm trí thông minh và nguy cơ tăng cao bệnh trầm cảm. Trẻ em và phụ nữ mang thai có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại Vương quốc Anh, có nhiều nơi có nồng độ hạt PM2.5 vượt quá giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tiến sĩ Nick Hopkinson, Giám đốc y tế của Tổ chức Đối tác Bệnh hen suyễn Vương quốc Anh và Tổ chức Phổi Anh cho biết ô nhiễm ở trong nhà và ngoài trời do bếp đốt củi gây ra các hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng, từ các vấn đề về hô hấp đến tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và ung thư phổi.

“Để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em, những người dễ bị tổn thương vì phổi của chúng còn nhỏ và vẫn đang phát triển, hãy tránh mua bếp đốt củi hoặc sử dụng bếp lửa nếu bạn có một nguồn nhiên liệu khác để nấu nướng và sưởi ấm trong nhà”, Tiến sĩ Nick Hopkinson kêu gọi.

Mai Đan