Lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương đặt niềm tin với ngành TN&MT
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 18:40, 01/01/2021
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội: Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên nền tảng khoa học công nghệ
Có thể nói, những kết quả mà ngành Tài nguyên và Môi trường đã làm được trong thời gian qua rất đáng được ghi nhận, có ý nghĩa, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh. Những mục tiêu đã hoàn thành, các nhiệm vụ đã thắng lợi dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội |
Tôi đánh giá cao sự phối hợp, đoàn kết là nội dung quan trọng, xuyên suốt tạo nên những thành tựu, kết quả mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm được. Điều này được thể hiện rõ rét trong việc Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được chuẩn bị kỹ càng, lấy ý kiến tất cả các địa phương, chuyên gia, ngành, Bộ, các tổ chức và đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù, gặp một số thách thức, vướng mắc trong quá trình lấy ý kiến, song với những nội dung đột phá, nổi bật, Luật đã được thông qua tại Quốc hội với số phiếu bầu rất cao.
Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, các quyết định của chúng ta cũng phải dựa trên một tầm trí tuệ cao, phù hợp với xu thế chung của thế giới và thời đại. Chúng ta phải nhìn xa hơn, trong đó, có những điều luật, nội dung cho phù hợp. Tất cả những thắng lợi ấy nằm trong quy luật chung là chấp hành tốt, thực hiện đúng sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
Thời gian qua, sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất chặt chẽ. Những thành quả của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sự hỗ trợ kịp thời, sát sao, hiệu quả của Bộ đối với các lĩnh vực như: đất sản xuất nông nghiệp, thẩm định tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức về môi trường nông thôn… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ghi nhận tất cả những đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phát triển bền vững ĐBSCL, trước thách thức BĐKH… để cụ thể hóa thành Chương trình hành động.
Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT |
Quay lại câu chuyện về thách thức biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước… mặc dù, chúng ta đã có nhiều Nghị định của Chính phủ liên quan vấn đề này, song, vẫn cần những giải pháp, chương trình hành động mạnh mẽ hơn nữa để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ sở điều chỉnh các chiến lược phát triển của ngành phù hợp với quan điểm chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như chương trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong quá trình phát triển nông nghiệp hiện nay, chúng ta đang thực hiện chủ trương mở rộng hạn điền để tích tụ đất đai; chuyển từ quy mô sản xuất nhỏ lên sản xuất hàng hóa lớn. Chương trình này đã thực hiện thành công ở một số địa phương, nhưng cơ bản còn lúng túng. Về vấn đề này, giữa hai Bộ cần có trao đổi, chia sẻ, thống nhất đề xuất chủ trương chung.
Hiện nay, không chỉ ô nhiễm từ các nhà máy, khu công nghiệp, đô thị mà ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã và đang làm biến dạng hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học. Nếu chúng ta không có nhận thức kịp thời về vấn đề này, đến một ngày nào đó chúng ta sẽ phải trả giá. Theo tôi, đã đến lúc hai Bộ phải ngồi lại với nhau để cùng thống nhất kế hoạch hành động, có những kiến nghị với Chính phủ để kịp thời chuyển đổi sản xuất.
Bên cạnh đó, trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; tiêu chí môi trường đang thiên về đánh giá thu gom rác thải, nghĩa địa, nghĩa trang… vấn đề làm sao giữ được hồn cốt của nông thôn với những bản sắc, cảnh quan tự nhiên lại chưa được chú trọng. Do vậy, giữa hai Bộ cần có sự phối hợp nghiên cứu, kiến nghị để có tiêu chí đối với xã nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mới, nông thôn mới nâng cao hướng đến việc giữ bản sắc quê hương.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Tạo ra nhiều mô hình kinh doanh bền vững trong kỷ nguyên mới
Năm 2020 là năm hết sức khó khăn, thách thức, song, qua Báo cáo tóm tắt tổng kết của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi đánh giá rất cao những thành tựu Bộ đã đạt được.
Điểm sáng là việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2020. Có thể nói, Bộ Luật này đã tiếp cận được các tiêu chuẩn quốc tế không chỉ ở các nước ASEAN. Luật cũng thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng, góp phần đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới, chú trọng vào kinh tế tri thức, kinh tế số, giảm bớt các hoạt động của con người tác động đến tự nhiên, phát triển kinh tế - xã hội dựa vào các quy luật tự nhiên. Đồng thời, Luật cũng cụ thể hóa các thể chế, chủ trương, định hướng lớn của Nhà nước và đáp ứng được những yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thay đổi cách tiếp cận quản lý môi trường, trong đó, mở rộng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với một sản phẩm, kể cả khi sản phẩm đã trở thành rác thải. Luật đã gắn trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - doanh nghiệp không chỉ chịu trách nhiệm đến giai đoạn bán sản phẩm cho người tiêu dùng mà còn chịu trách nhiệm đến giai đoạn xử lý vật liệu được thải bỏ và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa.
Thời gian qua, Bộ TN&MT đã rất tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Lãnh đạo Bộ cũng rất tích cực trong việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, đó là những doanh nghiệp làm tốt về mặt kinh tế nhưng phải đưa giá trị về xã hội, môi trường vào giá trị doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |
Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức thường niên từ năm 2016 theo sự chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 398/TB-VPCP ngày 15/12/2015, Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (Chương trình CSI) đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ và sức lan tỏa nhất định trong cộng đồng doanh nghiệp nước nhà.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có nhiều hoạt động đối ngoại trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; tham gia vào rất nhiều diễn đàn quan trọng như: Diễn đàn Tăng trưởng xanh, Diễn đàn Kinh tế thế giới…
Những chương trình mà Bộ Tài nguyên và Môi trường khởi xướng gắn với phát triển bền vững, giảm rác thải nhựa đại dương đã được cộng đồng doanh nghiệp tích cực hưởng ứng và huy động tham gia. Trong thời gian tới, tôi hy vọng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan chỉ đạo là Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng ta sẽ có những chương trình hiệu quả hơn trong xử lý vấn đề về rác thải nhựa đại dương.
Theo tôi, đây là vấn đề liên quan đến kinh tế tuần hoàn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng VCCI và các cơ quan liên quan đã đưa khái niệm kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai. Kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa giải quyết khó khăn giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn tạo ra một hệ sinh thái mới cho doanh nghiệp triển khai các sáng kiến của nền kinh tế tuần hoàn như: không xả thải vào thiên nhiên, xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp, biến xỉ than thành vật liệu xây dựng, biến nhựa thành các sản phẩm tiếp theo cho các ngành khác nhau, các dự án thúc đẩy năng lượng tái tạo… và tạo ra nhiều nền kinh doanh bền vững mới trong kỷ nguyên mới.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Chính sách, pháp luật giúp tháo gỡ “nút thắt” ở địa phương
Trong năm qua, với bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19; lũ chồng lũ, bão chồng bão, tỉnh Hà Tĩnh quyết tâm, nỗ lực đạt nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Nổi bật là việc hoàn thành công tác lập Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; các tồn đọng, khiếu nại, tố cáo nhất là lĩnh vực đất đai được tập trung giải quyết; kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện bồi thường, GPMB các dự án; phối hợp với Bộ TN&MT và các Bộ, ngành Trung ương hoàn thành chương tình giám sát đặc biệt tại Dự án Formosa…
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh |
Năm 2020, Bộ TN&MT đã tập trung cao cho việc cải cách thể chế; kết quả rõ nhất là Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua mang tính tổng thể, toàn diện và hài hòa cao với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội, thủ tục hành chính được cải cách mạnh mẽ. Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã giúp các địa phương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc lâu nay được xem là “nút thắt” trong đầu tư phát triển. Chẳng hạn như các trường hợp đấu giá, không đấu giá; đấu thầu không phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; Dự án có sử dụng một phần đất công của Nhà nước và một phần đã có quyền sử dụng đất của người dân - đất hỗn hợp…
Để Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sớm đi vào cuộc sống; các chính sách đất đai mới ban hành phát huy hiệu quả, giúp các địa phương tháo gỡ được những “nút thắt” trong đầu tư phát triển; đảm bảo việc triển khai đồng bộ, thống nhất, tôi đề nghị sớm ban hành, tham mưu ban hành các Thông tư, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, sớm tổ chức việc tập huấn, hướng dẫn các nội dung trên để địa phương thực hiện.
Liên quan việc sử dụng các loại vật liệu tro xỉ nhiệt điện, xỉ thép của các dự án lớn như: Formosa, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù, các loại tro xỉ này đã được các cơ quan chuyên ngành chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, đủ điều kiện để sử dụng làm vật liệu san lấp. Tuy vậy, việc triển khai sử dụng vật liệu này làm vật liệu san lấp mặt bằng thực tế trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều trở ngại do người dân chưa đồng thuận, đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc lưu chứa, quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên.
Do vậy, đề nghị có hướng dẫn xử lý, có thể thực hiện thí điểm việc sử dụng tro xỉ nhiêt điện, xỉ thép để hoàn thổ một số mỏ đá vật liệu xây dựng đã khai thác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng: Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Trong năm 2020, vượt qua những thách thức, ngành Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Phòng đã đạt được những kết quả quan trọng.
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, thành phố đã thu hồi 10.488 ha đất của 613 tổ chức và 53.916 hộ gia đình, cá nhân. Thành phố đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 89 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực đất đai, môi trường và tài nguyên nước, khoáng sản; lập hồ sơ xử lý đối với 40 tổ chức, cá nhân vi phạm, thu nộp ngân sách 2.157 triệu đồng.
Năm 2021, được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, TP. Hải Phòng xác định nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực này là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng |
Trong đó, thành phố sẽ xây dựng và trình duyệt Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025. Nâng cao chất lượng công tác định giá đất phù hợp với thị trường và tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đất đai và tăng cường số hóa cơ sở dữ liệu đất đai.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản. Nghiên cứu xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn; nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai. Chủ động trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với BĐKH.
Để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, UBND TP. Hải Phòng kiến nghị Bộ TN&MT sớm hoàn thiện Dự thảo, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn có liên quan; hướng dẫn cụ thể để các tỉnh, thành phố triển khai việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo đúng các quy định pháp luật.
Trong lĩnh vực môi trường, đề nghị tham mưu, ban hành đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho thành phố trong quá trình chuyển đổi công nghệ số, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Nâng cao năng lực cảnh báo môi trường để công khai đầy đủ, kịp thời thông tin và nâng cao chất lượng môi trường cho cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm tại các đảo, hải đảo, các khu vực ven bờ chưa được công bố, khu vực chưa được khép kín; điều chỉnh đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm tại một số khu vực cho phù hợp với địa hình hiện trạng.
Sớm tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định về: Hỗ trợ, bồi thường trong công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi khu vực biển để sử dụng vào mục đích công cộng, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội; thế chấp, vay vốn ngân hàng bằng quyền sử dụng khu vực biển và tài sản đầu tư trên khu vực biển được giao; hỗ trợ di dời hoặc bồi thường thiệt hại đối với các tổ chức, cá nhân có công trình và quyền sử dụng đất nằm trong hành lang bảo vệ bờ biển.
Ông Lê Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước: Cần nâng chỉ tiêu đất ở đô thị với địa phương
Trong quy hoạch sử dụng đất từ 2016 - 2020, Bình Phước gặp vướng mắc trong chỉ tiêu đất ở đô thị do quá trình đô thị hóa phát triển nhanh. Hiện nay, Bình Phước là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển đô thị, các khu công nghiệp mở ra nhiều nên tốc độ đô thị hoá mạnh dẫn đến thiếu chỉ tiêu cho loại đất này.
Ông Lê Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước |
Trong năm 2020, mặc dù, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và vấn đề thu hút đầu tư nói riêng, song, thông qua hình thức kêu gọi đầu tư trực tuyến, đến nay tỉnh vẫn thu hút đầu tư được khá nhiều. Tỉnh Bình Phước kiến nghị Chính phủ cho phép bổ sung chỉ tiêu đất ở đô thị.
Quy hoạch nhiệm kỳ tới, chúng ta phải làm quy hoạch tỉnh, quy hoạch cấp huyện, quy hoạch vùng. Nếu không có hướng dẫn của Bộ về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện sẽ rất khó. Do vậy, Kế hoạch sử dụng đất phải được làm trước một bước.
Một khó khăn nữa hiện nay là về tổ chức bộ máy. Về việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ, vị trí việc làm phải đảm bảo số biên chế để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Nếu giảm biên chế theo quy định như hiện nay so với khối lượng công việc của ngành Tài nguyên và Môi trường lại vô cùng lớn.
Để thống nhất trong công tác tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực tại địa phương, cần có hướng dẫn khung về mô hình tổ chức các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, Chi cục thuộc Sở và sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Tài nguyên và Môi trường.