TP.HCM mô hình chính quyền đô thị: Nhiều kỳ vọng phía trước
Xã hội - Ngày đăng : 14:22, 01/01/2021
Ngoài ra, Quốc hội cho phép 5 huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè) và các xã, thị trấn vẫn có HĐND và UBND. Đặc biệt, ngày 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập TP. Thủ Đức (sát nhập quận 2, 9, Thủ Đức) thuộc TP.HCM, có tổ chức HĐND.
Theo Nghị quyết về thực hiện chính quyền đô thị, HĐND thành phố thực hiện quyền giám sát việc tuân theo hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố trên địa bàn quận, phường thuộc quận, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận… Nghị quyết của Quốc hội cũng trao cho Chủ tịch UBND thành phố quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận.
Yêu cầu cấp thiết
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết: TP.HCM chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước nhưng dân số chiếm 9% và kinh tế chiếm 22%. Một km2, TP.HCM tạo ra khoảng 40 lần giá trị kinh tế bình quân cả nước. TP.HCM hiện có 5 quận có dân số từ 500.000 - 800.000 dân nên số đầu việc phát sinh hằng ngày đến cấp này rất lớn. Với mật độ dân số cao, các vấn đề phát sinh lớn đòi hỏi phải xử lý nhanh, giải quyết kịp thời.
Cho nên, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM đã trở thành vấn đề quan trọng và cấp bách. Đây là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của thành phố. Nghị quyết chính quyền đô thị cho phép không tổ chức HĐND cấp quận và phường sẽ giúp các quyết định hành chính của chính quyền thành phố được triển khai đến chính quyền cơ sở, người dân và doanh nghiệp nhanh và chính xác; giúp TP.HCM tiết kiệm được kinh phí chi thường xuyên khoảng 1.200 tỷ đồng trong 5 năm, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Đại học Quốc gia TP.HCM: Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM mà Quốc hội vừa thông qua là mô hình trong suốt 13 năm (2007 - 2020), mở ra giai đoạn mới đối với một thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất, đông dân nhất cả nước. Điều này nhằm giúp TP.HCM tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, năng lực điều hành của chính quyền địa phương
TP.HCM sẽ chính thức thực hiện chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021. Ảnh: MH |
Nâng tầm cán bộ, công chức
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa: Trọng tâm của chính quyền đô thị chính là xây dựng nền hành chính từ phường, quận, tới các Sở, ban, ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Điều đó có nghĩa là mỗi người trong bộ máy công quyền phải là những công chức chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, mẫn cán và thân thiện. Họ không chỉ biết công nghệ thông tin, khá ngoại ngữ và thành thục các kỹ năng quản trị mà còn là người bạn của dân, chỉ như thế mới chuyển được nền công vụ "xin - cho" sang nền công vụ phục vụ.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết chính quyền đô thị, TP.HCM đã bắt tay vào các công tác chuẩn bị, đặc biệt là công tác cán bộ. Theo đó, khi không tổ chức HĐND cấp phường và quận, vai trò và trách nhiệm của các đại biểu HĐND TP.HCM phải được nâng lên để đáp ứng yêu cầu đại diện quyền làm chủ của người dân. Trong nhiệm kỳ mới, HĐND TP.HCM sẽ có 19 đại biểu chuyên trách trong tổng số 95 đại biểu.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, khi thực hiện chính quyền đô thị, áp lực với Chủ tịch UBND quận và UBND phường sắp tới cũng sẽ rất lớn do phải tự chịu trách nhiệm chứ không phải do tập thể quyết định như trước. Đồng thời, việc sắp xếp, bố trí lại cán bộ là hết sức quan trọng, mấu chốt, đặc biệt là việc tổ chức bộ máy chính quyền các cấp của TP. Thủ Đức.
“Mỗi cán bộ, công chức phải tự nâng tầm năng lực, trách nhiệm để đáp ứng được yêu cầu của mô hình chính quyền đô thị, đặc biệt là niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân vào chính quyền TP.HCM. TP.HCM cam kết sẽ làm tốt công tác cán bộ”.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh