Ngành Khí tượng thủy văn: Tiếp lửa truyền thống, kiến tạo vì sự phát triển đất nước

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:07, 01/01/2021

(TN&MT) - Năm 2020, ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) đã ghi những dấu ấn đậm nét đánh dấu chặng đường 75 năm hình thành và phát triển. Đối mặt với thiên tai hết sức cực đoan, dị thường với nhiều cột mốc lịch sử bị phá vỡ… toàn ngành KTTV một lần nữa khẳng định vị thế tối quan trọng trong đời sống con người và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bước sang thập niên mới, đứng trước những thời cơ, vận hội mới, chúng ta cùng nhìn lại một năm nỗ lực không mệt mỏi của toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành KTTV và tưởng nhớ các thế hệ cha anh đã đặt nền móng cho sự phát triển ngành qua cuộc trò chuyện với người tư lệnh ngành – GS.TS Trần Hồng Thái (ảnh), Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV.

PV: Năm 2020 có thể coi là năm đặc biệt với ngành KTTV khi lần thứ hai được đón nhận Huân chuơng Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý. Đâu là nền móng tạo nên những thành công và sự lớn mạnh của ngành như ngày hôm nay, thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái: Qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, luôn kiên định song hành với mục tiêu phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, đến nay ngành KTTV Việt Nam đã và đang phát triển vững mạnh, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV.

Nền móng của sự phát triển vững mạnh đó được dựng xây, kiến tạo  bởi lớp lớp các thế hệ cha anh; trong đó không thể không nhắc đến người “tư lệnh” đầu tiên của ngành KTTV - cố Giáo sư, Nhà giáo Nguyễn Xiển, Giám đốc Nha Khí tượng (tiền thân của Tổng cục KTTV ngày nay).

Ngành KTTV là ngành khoa học cơ bản, góp phần vào sự kiến tạo của bất cứ đất nước, xã hội nào. Ngay sau khi thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1945, Bác Hồ đã ký sắc lệnh thành lập ngành KTTV và giao cho cố Giáo sư Nguyễn Xiển làm người đứng đầu ngành. Việc Bác Hồ lựa chọn và giao nhiệm vụ cao cả cho cố Giáo sư đã thể hiện sự trân trọng của Bác đối với cụ.

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, cố Giáo sư Nguyễn Xiển đã đặt nền móng, viên gạch đầu tiên để xây dựng ngành từ cơ sở vật chất, thiết lập mạng lưới trạm, có những nghiên cứu khoa học cơ bản đầu tiên về lĩnh vực khí tượng từ bản đồ phân vùng, bản đồ phân vùng khí hậu được thực hiện và ban hành trong giai đoạn 1960 - 1970. Đến ngày nay, đó vẫn là nền tảng cho sự phát triển của ngành KTTV. Cố Giáo sư Nguyễn Xiển đã tạo ra một hệ thống quản lý Nhà nước trong lĩnh vực KTTV, đưa lĩnh vực KTTV vào phục vụ cuộc sống.

Trên trường quốc tế, cố Giáo sư Nguyễn Xiển đã tạo nên vị thế lớn cho ngành KTTV, thể hiện ở việc tham gia Tổ chức Khí tượng thế giới và các tổ chức quốc tế liên quan ngay sau khi thành lập. Cố Giáo sư đã tạo ra những mối quan hệ song phương với các tổ chức khí tượng của các nước trên thế giới như: Liên Xô, Ba Lan, Trung Quốc… để kêu gọi sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và sự ủng hộ về chính trị, chủ quyền đối với sự phát triển của đất nước ta.

Đến nay, với bề dày lịch sử 75 năm phát triển, ngành KTTV đã trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo. Họ đã tạo dựng những bước đi vững chắc giúp toàn ngành KTTV không ngừng vượt qua khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, để ngành KTTV phải là một ngành phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển đất nước. Như câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Ở đâu có vùng trời, vùng biển và lãnh thổ của Việt Nam thì ở đó có hoạt động KTTV và sự hiện diện của cán bộ, nhân viên ngành KTTV Việt Nam”.

Ngành đã có những đóng góp được ghi nhận thông qua công tác dự báo, cảnh báo góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai, giúp cho các ngành kinh tế phát triển, khẳng định vai trò chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, giữ được quan hệ tốt với các nước thành viên của tổ chức khí tượng thế giới, quan hệ bình đẳng, chủ động không chỉ nhận hỗ trợ của các nước mà chúng ta đã đi hỗ trợ các nước trong công tác KTTV.

PV: Tiếp bước truyền thống của những người đi trước, theo ông chúng ta cần làm gì để lan tỏa tinh thần, “truyền lửa” ngành KTTV cho lớp thế hệ tương lai?

GS.TS Trần Hồng Thái: Để lan tỏa tinh thần của các thế hệ lãnh đạo, Tổng cục KTTV đã biên soạn biên niên sử của ngành, thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện để các thế hệ cán bộ sau này học hỏi truyền thống của ngành. Cá nhân tôi quán triệt từ chính bản thân và lan tỏa đến toàn thể cán bộ, anh em nhận thức quan trọng “ngành KTTV luôn là ngành khoa học cơ bản, kiến tạo phát triển, ngành KTTV phải là ngành phục vụ”.

Đối với cán bộ phải rèn luyện tinh thần kỷ luật như trong quân đội. Khi bão lũ xảy ra, cán bộ ngành KTTV như những chiến sĩ, phải đi vào vùng tâm bão, lũ, dầm mình trong mưa nắng để đưa ra những bản tin, số liệu phục vụ dự báo, tiếp tục cảnh báo người dân tránh khỏi những nơi nguy hiểm.

Cán bộ ngành KTTV bám sát diễn biến thời tiết để đưa ra những bản tin giúp người dân phòng chống thiên tai. Ảnh: Hoàng Minh

Ngay trong thời bình, có những cán bộ, chiến sĩ ngành KTTV dầm sương dãi nắng, bỏ một phần xương máu, thậm chí hi sinh tính mạng. Đó là tinh thần xuyên suốt của các chiến sĩ ngành KTTV từ những ngày đầu tiên thành lập đến nay.

PV: Hiện nay, công tác dự báo, cảnh báo KTTV gặp nhiều khó khăn khi đất nước ta đang chịu tác động to lớn bởi biến đổi khí hậu, nhiều quy luật khí hậu bị phá vỡ. Tinh thần chiến đấu, không ngại gian khó của cán bộ KTTV đã được duy trì và thể hiện như thế nào trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái: Năm 2020, mặc dù đã được định đoán trước thiên tai sẽ dồn dập vào cuối năm, tuy nhiên, đợt mưa lũ xảy ra trong tháng 10, tháng 11 đã vượt qua tất cả mọi kỷ lục đã thiết lập từ năm 1979, 1999.

Khi bão lũ xảy ra, bên cạnh việc cập nhật bản tin, đưa ra những dự báo, cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất, gió, mưa… để bà con có phương án tránh trú; khi sự cố xảy ra, các cán bộ ngành KTTV còn bám sát địa bàn để đưa ra những bản tin giúp cho lực lượng chức năng đảm bảo an toàn trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Các trạm KTTV tại cơ sở cũng bị ngập lụt sâu khi có bão, lũ xảy ra, tài sản và tính mạng của cán bộ tại các trạm bị đe dọa; song họ luôn cố gắng bám sát hiện trường để đảm bảo đưa ra những bản tin kịp thời nhất. Thậm chí, có những nơi do bão lũ, trang thiết bị hư hỏng, các chiến sĩ KTTV phải đi hơn 100 km vượt những cung đường khó khăn để đến “trám vào chỗ trống”. Khi những trạm không thể có thông tin do điều kiện bão lũ ảnh hưởng, lực lượng thông tin của ngành đã cơ động đến những điểm cần thiết đưa thông tin. Đó chính là tinh thần kỷ luật, trách nhiệm và sự đam mê với nghề nghiệp đã được lan tỏa.

Chúng tôi nhìn thấy một thế hệ trẻ đang vươn lên và tin tưởng rằng, trong những năm tiếp theo, thế hệ trẻ toàn ngành KTTV sẽ trưởng thành, từng bước làm chủ công nghệ, làm chủ công việc. Đó là một “thế hệ thay thế” hết sức xứng đáng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tuyết Chinh (thực hiện)