Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Vượt qua một năm “khởi động” đầy thách thức
Biển đảo - Ngày đăng : 18:22, 31/12/2020
Vì vậy, năm 2020 được xem như thời điểm “khởi động” của Kế hoạch với hàng loạt các sự kiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, cách thức ứng xử với các sản phẩm nhựa và nhựa sử dụng nhựa 1 lần theo hướng thân thiện môi trường...
Nhìn lại 1 năm triển khai Kế hoạch với không ít khó khăn, thách thức, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Đình Thi (ảnh), Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đơn vị được giao chủ trì thực hiện, xung quanh vấn đề này.
Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam |
PV: Năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện đã gây ra trở ngại lớn, đặc biệt đối với Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương của Việt Nam. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đơn vị được Bộ TN&MT giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện, đã có những chuyển hướng như thế nào, đồng thời tạo được những sự thu hút quan tâm lớn của toàn xã hội, các tổ chức trong và và ngoài nước, thưa ông?
Ông Tạ Đình Thi:
Thực hiện Quyết định 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; đặc biệt là 2 trong 4 nhóm nhiệm vụ lớn đề ra: Nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; nhiệm vụ hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ và xử lý rác thải nhựa đại dương.
Đứng trước những thách thức này, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT, tập thể lãnh đạo, cán bộ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã phát huy nội lực, tận dụng các cơ hội và khả năng đa dạng hóa, thích ứng linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi trực tuyến…
Kết quả là, đã có 11/28 tỉnh, thành phố có biển đã ban hành Kế hoạch hành động của mình như: Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre… Bộ NN&PTNT đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động của Bộ về rác thải nhựa đại dương...
Trên các diễn đàn, hội thảo quốc tế, Tổng cục đã chủ động tham gia, trình bày các sáng kiến, giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm trong việc vừa thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, vừa đảm bảo các quy định giãn cách xã hội phòng chống Covid-19 của Chính phủ. Chúng ta vừa mới tổ chức thành công Hội nghị quốc tế các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á năm 2020 với chủ đề “Ô nhiễm nhựa và đại dịch Covid-19: Một ASEAN gắn kết và thích ứng, cam kết mạnh mẽ để tạo ra những bước tiến mới” theo hình thức trực tuyến.
PV: Vấn đề tài chính cho giảm thiểu rác thải nhựa là vấn đề hết sức quan trọng, việc thiếu hụt nguồn tài chính sẽ gây áp lực rất lớn cho triển khai những hoạt động cụ thể. Xin ông cho biết đánh giá, nhận định của mình về vấn đề này, đồng thời chúng ta cần có giải pháp gì để đạt được mục tiêu, thưa ông?
Ông Tạ Đình Thi:
Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường rác thải nhựa đại dương đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực tài chính đóng vai trò rất quan trọng. Được sự quan tâm của Chính phủ, Tổng cục đã chủ động xây dựng và được bố trí nguồn ngân sách nhất định để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án đã đề ra, chẳng hạn như nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá hiện trạng rác nhựa và vi nhựa biển ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý” thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 7/1/2020 và các nhiệm vụ, kế hoạch khác của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến rác thải nhựa đại dương.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, ngay cả khi chưa có đại dịch Covid-19 thì nguồn lực tài chính dành cho giải quyết rác thác nhựa ở mỗi ngành, lĩnh vực và địa phương cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề được đặt ra là chúng ta tìm cách nào để vượt quá những khó khăn này và không đi chệch hướng trên con đường chúng ta đã chọn cho mục đích bảo vệ môi trường nói chung và giải quyết thật tốt vấn đề rác thải nhựa đại dương nói riêng.
Một trong những hướng giải quyết hiện nay và sắp tới đó chính là huy động các nguồn lực quốc tế. Theo thống kê của UNEP, nếu năm 2018, nguồn hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam mới khoảng 14 triệu USD, thì đến hết 10/2020 đã có khoảng 66 dự án, chương trình, sáng kiến được triển khai tại 20/28 tỉnh, thành phố ven biển với tổng số tiền quốc tế hỗ trợ khoảng 298 triệu USD. Chẳng hạn như Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam với tổng số vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 10 triệu USD. Sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính này sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức không chỉ vấn đề tài chính của chúng ta hiện nay mà còn giúp chúng ta những kiến thức, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... cho thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất, thảo luận với các nước, tổ chức quốc tế tiềm năng (như Nhật Bản, Canada, Nauy… và các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên (WWF); Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP); Ngân hàng thế giới (WB)...) về các cơ chế hợp tác công - tư, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý, xử lý rác thải nhựa, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn... và đề nghị sự giúp đỡ, hỗ trợ thực hiện.
PV: Muốn giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, không thể dựa vào hành động đơn lẻ của mỗi quốc gia mà cần sự chung tay của tất cả các quốc gia trên thế giới. Vậy Việt Nam đã tham gia như thế nào với việc hình thành Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương? Khi Chương trình này được kết nối, Việt Nam sẽ có thêm những cơ hội gì để giải quyết vấn đề trong nước về rác thải nhựa, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, thưa ông?
Ông Tạ Đình Thi:
Nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, quán triệt tinh thần “Việt Nam – thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc” và tiếp tục khẳng định những cam kết chính trị của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, Bộ TN&MT đã giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ động, tích cực tham gia quá trình xây dựng và đã có những đóng góp bước đầu đối với việc hình thành một Thỏa thuận toàn cầu giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương.
Chung tay hành động để giảm rác thải nhựa đại dương |
Tổng cục đã có những đóng góp cụ thể gửi Nhóm chuyên gia mở rộng của Hội đồng môi trường Liên Hợp Quốc về rác thải nhựa đại dương và hạt vi nhựa; đồng thời tích cực tham gia thảo luận các thành tố quan trọng của một Thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý. Và năm 2020 đã ghi nhận bước đột phá với hơn 80 quốc gia hiện đang kêu gọi một Thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc. Mục tiêu thỏa thuận toàn cầu hướng đến là: (1) Giảm thiểu toàn diện rác thải nhựa bằng cách can thiệp các biện pháp chính sách, kỹ thuật theo mỗi khâu trong vòng đời của nhựa, đồng thời có chế độ báo cáo chặt chẽ; (2) Thiết kế, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa một cách bền vững theo chuỗi giá trị của nhựa; (3) Quản lý bền vững theo mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế).
Có thể nói một Thỏa thuận toàn cầu do Hội đồng môi trường Liên Hợp Quốc khởi xướng sẽ đảm bảo cho việc thực hiện tốt hơn từ tất cả các quốc gia thành viên. Thỏa thuận nếu được thông qua sẽ đảm bảo rằng, đây không phải là gánh nặng đặt lên vai một số ít các nước phát thải lớn rác thải nhựa đại dương mà là một trách nhiệm chung toàn cầu. Thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, xác minh và chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa biển trên từ phạm vi quốc gia, khu vực đến toàn thế giới.
Vì Thỏa thuận toàn cầu là vấn đề lớn, có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực của đất nước nếu Việt Nam tham gia nên Tổng cục đã chủ động tham mưu để Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xem xét giao Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác có liên quan xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Đề án tham gia đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!