Vi phạm đê biển Thanh Hóa: Cần có biện pháp xử lý triệt để

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 11:16, 31/12/2020

(TN&MT) - Hiện nay, tình trạng các hộ nuôi tôm tự phát tại phường Hải Thanh, TX. Nghi Sơn (Thanh Hóa) tự ý đục đê biển để lắp đặt đường ống xả thải, gây ô nhiễm môi trường vẫn còn tồn tại. Đã đến lúc chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng của tỉnh cần có biện pháp xử lý “mạnh tay”, tránh việc “đánh trống bỏ dùi”.

Tình trạng các hộ dân tự ý đục đê biển vi phạm Luật Đê điều tại phường Hải Thanh, TX. Nghi Sơn vẫn tồn tại

Trước đó, Báo Tài nguyên và Môi trường đăng tải bài viết: “Cần xử nghiêm vi phạm trên tuyến đê kè chắn sóng biển”, phản ánh sự việc nhiều hộ dân nuôi tôm tại phường Hải Thanh, TX. Nghi Sơn (Thanh Hóa) tự ý đục đê biển để đặt đường ống dẫn nước thải và xây dựng các trạm bơm trái phép. Tình trạng trên không những vi phạm Luật Đê điều, còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình đê biển và gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều trạm bơm xây dựng trái phép trên đê

Theo tìm hiểu, tuyến đê biển Hải Thanh được sửa chữa, nâng cấp vào năm 2006. Tiểu dự án này nằm trong Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2005, với tổng mức đầu tư lên đến 53,175 tỷ đồng (nguồn vốn vay ADB). Tại Quyết định số 2509/QĐ-UBND ngày 11/9/2006 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt tham chiếu tiểu dự án chỉ rõ: Việc nâng cấp, sửa chữa nhằm chống xói lở bờ biển, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân phường Hải Thanh. Mặt khác tạo tuyến đường kiểm tra, cứu hộ, cứu nạn khi mưa bão, đáp ứng yêu cầu giao thông nông thôn.

Sau khi Báo phản ánh, ngày 03/12/2020, UBND TX. Nghi Sơn có Văn bản số 4019/UBND-KT gửi các địa phương và đơn vị liên quan yêu cầu: Kiểm tra, rà soát, thống kê và quản lý các hộ gia đình, cá nhân, đơn vị nuôi trồng thủy sản tự phát không theo quy hoạch ở các xã, phường ven biển.

Vi phạm xuất phát từ các hộ gia đình nuôi tôm công nghiệp tự phát

Cụ thể, Chủ tịch UBND TX. Nghi Sơn yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường ven biển tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát, tổng hợp quy mô, diện tích, sản lượng của các hộ, các đơn vị nuôi tôm tự phát vi phạm Luật Môi trường, Luật Đê điều, xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn quản lý. Báo cáo bằng văn bản gửi về UBND thị xã trước ngày 12/12/2020. Về trách nhiệm quản lý, Chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thị xã và pháp luật nếu không chủ động xử lý dứt điểm, hoặc trường hợp vượt quá thẩm quyền mà không kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND thị xã về các hành vi vi phạm nuôi tôm tự phát, trái phép trên địa bàn quản lý.

Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại các vi phạm nêu trên vẫn còn tồn tại. Ghi nhận thực tế cho thấy, các hộ nuôi tôm ở đây hầu hết đều không nằm trong quy hoạch, chủ yếu nằm hoàn toàn trong khu dân cư đông đúc, gây ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân lân cận.

Các đường ống nước xả thải nối thẳng ra biển gây ô nhiễm môi trường

Qua rà soát, có hơn 70 hộ dân đã sử dụng đất ở để đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo kiểu công nghiệp, mùi hôi tanh và tiếng động cơ máy sục hoạt động liên tục gây ảnh hưởng cho người dân địa phương. Nghiêm trọng hơn, tình trạng nhiều hộ tự ý đục khoét chân đê để xây dựng trạm bơm, lắp đặt các đường ống dài nối trực tiếp ra biển với mục đích xả thải và lấy nước, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển, vi phạm Luật Đê điều chưa được xử lý dứt điểm.

Cần xử lý dứt điểm vi phạm để đảm bảo môi trường sinh thái biển

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND TX. Nghi Sơn cho biết: Việc để các hộ dân tự ý nuôi tôm trái phép trong thời gian dài trước hết là trách nhiệm của UBND phường Hải Thanh khi chưa quản lý chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời ngay từ ban đầu. Thực tế cho thấy do lợi nhuận khá lớn, nên một số hộ gia đình có phần bất chấp các quy định để cố tình vi phạm. Về giải pháp, UBND TX. Nghi Sơn sẽ yêu cầu UBND phường thực hiện việc tạm dừng, giữ nguyên hiện trạng, tìm giải pháp từng bước để giải tỏa dần các khu vực nuôi tôm sai quy hoạch.

Bài và ảnh: Thu Thủy - Hoàng Anh