Sơn La: Chủ động ứng phó không khí lạnh tăng cường mạnh

Xã hội - Ngày đăng : 16:28, 30/12/2020

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Công văn số 4079/UBND-KT về việc chủ động ứng phó với các đợt không khí lạnh tăng cường mạnh trong mùa đông 2020-2021.

UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các huyện, thành phố thành lập các đoàn công tác đến từng tiểu khu, bản và hộ gia đình kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét

Theo Bản tin số 06/BTTHM ngày 16/12/2020 của Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc cập nhật về hiện tượng ENSO và nhận định xu thế khí tượng thủy văn ở tỉnh Sơn La từ tháng 1 đến tháng 6/2021. Các đợt rét đậm, rét hại xảy ra trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 2/2021 có khả năng kéo dài từ 7-10 ngày, kéo dài nhiều ngày hơn các vùng núi cao. Nhiệt độ có thể giảm sâu, gây ra băng giá, mưa tuyết trong các tháng chính của mùa đông 2020-2021 ở vùng núi cao.

Để chủ động ứng phó trong công tác phòng chống rét cho người, cây trồng, vật nuôi, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố thành lập các đoàn công tác đến từng tiểu khu, bản và hộ gia đình kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, đặc biệt là người già và trẻ em; cây trồng và vật nuôi.

Theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về diễn biến của thời tiết, khí hậu tới người dân để chủ động phòng, tránh, không để người dân chủ quan, bị động trong việc phòng chống đói, rét cho cây trồng và vật nuôi.

Triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp, phương án phòng, chống rét cho người, cây trồng và vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2020-2021. Cụ thể, với cây trồng, tăng cường các biện pháp chăm sóc, tưới nước, bón phân hữu cơ hoai mục, phân NPK để cây trồng ra thêm rễ mới, sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết. Đối với rau màu đã đến kỳ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch dứt điểm; tưới nước đủ ẩm cho cây trồng trong những ngày rét đậm, rét hại. Tuyệt đối không gieo hạt vào những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ dưới 15 độ C. Chủ động phương án gieo trồng, chuẩn bị nguồn hạt giống dự trữ, điều chỉnh mùa vụ, tăng vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; chuyển đổi cây trồng thích ứng với tình hình thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do rét đậm, rét hại gây ra.

 

Đối với vật nuôi, vận động người dân dự trữ thức ăn cho vật nuôi; hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật chế biến cải thiện dinh dưỡng thức ăn cho vật nuôi; sửa chữa, làm mới và che chắn chuồng nuôi đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt chuồng trong những ngày rét đậm, rét hại. Quản lý chặt chẽ đàn gia súc di chuyển đi tránh rét; tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời dịch bệnh. Tập trung lực lượng xuống các bản, tiểu khu, tổ dân phố tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân vào những ngày giá rét không chăn thả và để gia súc làm việc trước 9h sáng và sau 16h chiều, đặc biệt những ngày nhiệt độ dưới 13 độ C cần nuôi nhốt gia súc tại chuồng.

Chủ động bố trí ngân sách dự phòng và dự trữ nguồn giống, phân bón để kịp thời khắc phục thiệt hại (nếu có); huy động lực lượng xung kích tại cơ sở để tổ chức xuống địa bàn hỗ trợ người dân triển khai phòng, chống rét.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn kỹ thuật về công tác phòng, chống rét đậm, rét hại đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo về UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động hướng dẫn biện pháp phòng, chống rét cho học sinh; nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc phải mặc đồng phục vào những ngày quá rét; không tổ chức các hoạt động ngoài trời khi rét đậm, rét hại. Các trường bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú phải tăng cường biện pháp giữ ấm, chăm sóc và phục vụ học sinh. Căn cứ diễn biến thời tiết chủ động đề xuất cho học sinh nghỉ học.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo việc phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh. Nơi chờ khám, các phòng khám bệnh, buồng điều trị người bệnh phải đảm bảo kín gió, có đủ chăn đệm, phương tiện đảm bảo cho người bệnh được giữ ấm trong thời gian khám và điều trị. Các cơ sở khám, chữa bệnh cần đảm bảo bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường gây ra. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tuyên truyền người dân bảo vệ sức khỏe, giữ ấm cho cơ thể những ngày giá rét; khuyến cáo người dân không đốt củi, đốt than đá sưởi ấm tránh sự cố cháy và khói độc.

Nguyễn Nga