Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam: Năm 2021, tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản luật
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:44, 29/12/2020
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Tập trung toàn lực, tổ chức triển khai tốt các nhiệm vụ được giao
Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Ngọc Huy, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết: Năm 2020, Cục đã đẩy mạnh việc triển khai và phối hợp xây dựng 7 văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đo đạc và bản đồ; chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ trả lời các yêu cầu của các bộ, ngành và các địa phương liên quan đến vấn đề địa giới hành chính các cấp, các vấn đề liên quan tới chủ quyền quốc gia, biên giới, biển, đảo, góp phần nâng cao vai trò vị thế của Bộ TN&MT.
Cùng với đó, công tác thanh kiểm tra các hoạt động đo đạc và bản đồ trên toàn quốc được đẩy mạnh, góp phần từng bước đưa hoạt động này vào nề nếp. Tính đến ngày 14/12/2020 đã cấp 1845 giấy phép và được đăng tải công khai trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, góp phần từng bước xã hội hóa một số dịch vụ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Thông qua việc cấp phép Cục nắm bắt được thực trạng năng lực công nghệ, thiết bị và chất lượng nguồn nhân lực trong ngành.
Đối với công tác biên giới và địa giới, Cục đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, thực hiện công tác quản lý biên giới theo 2 văn kiện pháp lý biên giới Việt Nam - Lào; hoàn thành phân giới được khoảng 1042 km đường biên giới và cắm 2047 mốc quốc giới trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa hai nước Việt Nam - Campuchia và đã được thể hiện đầy đủ, chi tiết trên bộ bản đồ địa hình biên giới Việt Nam - Campuchia tỷ lệ 1:25.000.
Toàn bộ thành quả phân giới, cắm mốc biên giới trên thực địa Việt Nam – Campuchia đã được pháp lý hóa tại 2 văn kiện “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia" và "Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia" ký ngày 05/10/2019 và được Quốc Hội hai nước phê chuẩn.
Toàn cảnh Hội nghị |
Bên cạnh đó, Cục cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hoàn thành dự thảo Quyết định ban hành quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ của Bộ TN&MT; phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường thực hiện tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trên Cổng Dịch công quốc gia theo kế hoạch, lộ trình được của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ mức độ 4 ước đạt 47%, đồng thời cho phép người dân và doanh nghiệp thanh toán trên cổng dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, Cục đã tổ chức thực hiện 8 đề tài và dự án cấp Bộ, 1 đề tài cấp cơ sở, hoàn thiện và công bố cập nhật hề thống quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015. Kết quả đề tài đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý, sản xuất và khai thác dữ liệu đo đạc và bản đồ.
Xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những kết quả mà Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã đạt được trong năm 2020. Mặc dù, năm 2020 là một năm rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên Cục đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đoàn kết, đồng lòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong năm tới, Thứ trưởng đề nghị Cục cần tập trung xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ nhằm đáp ứng đầy đủ các điều kiện để tiến tới thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở mức độ 4; hoàn thành xây dựng các Thông tư của Bộ TN&MT về ban hành danh mục địa danh, dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ địa hình của các địa phương còn lại.
Đối với công tác thực hiện các đề án, dự án và các nhiệm vụ chuyên môn, cần tập trung chức thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 415/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ, trong đó tập trung đi sâu việc bảo đảm chất lượng và tiến độ yêu cầu.
Ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai 2 dự án "Đầu tư hạ tầng xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia và Chính phủ điện tử" và "Hiện đại hóa hệ thống độ cao quốc gia phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với BĐKH tại một số thành phố lớn và khu vực ven biển" nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH.
Đặc biệt, hoàn thành xây dựng Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam và tích hợp dữ liệu khung để từ đó làm cơ sở để lập đề án xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam phục vụ chia sẻ, chuyển đổi, phân tích, tích hợp, tra cứu và tải các dữ liệu khung và dữ liệu chuyên ngành. Cùng với đó là kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam theo tiêu chí quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP.
Ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam phát biểu |
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng và các ý kiến góp ý tại Hội nghị, ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam xin hứa sẽ cùng tập thể lãnh đạo Cục và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Cục cố gắng, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2021, nhất là nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, pháp luật về đo đạc bản đồ cũng như là tập trung nguồn lực để thực hiện các đề án, dự án và các nhiệm vụ chuyên môn.