Đồng hành cùng giảm rác thải nhựa

Môi trường - Ngày đăng : 09:59, 29/12/2020

(TN&MT) - Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về Nhựa là sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam, do Bộ Tài nguyên và Môi trường đại diện với Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về Nhựa, nhằm thực hiện các cam kết giảm thiểu ô nhiễm nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

 

Bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam:

Cam kết hỗ trợ Việt Nam chống ô nhiễm nhựa

Là một trong những đối tác chiến lược của NPAP, Canada đang đầu tư 6 triệu đô-la hỗ trợ việc thực hiện các Đối tác hành động nhựa Quốc gia tại Indonesia, Ghana và Việt Nam. Chính phủ Canada đặc biệt chú trọng đến việc khắc phục các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng và dễ bị tổn thương trong toàn bộ quy trình quản lý nhựa, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm yếu thế - bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi tình trạng ô nhiễm nhựa. Canada mong muốn tiếp tục làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội để hướng đến mục tiêu chống ô nhiễm nhựa ở Việt Nam. Đồng thời, biến NPAP trở thành nền tảng hiệu quả cho đối thoại cũng như hành động cụ thể.

 

Ông Marcus Winsley - Phó Đại sứ, Đại diện lâm thời Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam:

Thực hiện các bước đầy tham vọng để giải quyết ô nhiễm nhựa

Một trong những vấn đề lớn mà thế giới phải đối mặt là ô nhiễm nhựa với khoảng 12,7 triệu tấn nhựa mỗi năm. Chúng ta cần hành động ở tất cả các cấp từ Chính phủ cho đến ngành công nghiệp và các cá nhân trong cộng đồng để ngăn chặn ô nhiễm nhựa xâm nhập vào môi trường biển quý giá của chúng ta.

Chúng tôi có 6 tổ công tác đặc nhiệm dành riêng cho việc đẩy mạnh tiến độ. Các lực lượng đặc nhiệm này tập trung vào chính sách, đo lường, đổi mới, tài chính, truyền thông và giáo dục. Vương quốc Anh nhận thấy sự ưu tiên dành cho các vấn đề xuyên suốt này là vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của các lực lượng đặc nhiệm và ở các phân đoạn khác nhau của chuỗi giá trị. Do vậy, Vương quốc Anh sẵn sàng hỗ trợ để thực hiện và đưa các luật và chính sách quan trọng vào hoạt động. Vì lợi ích chung toàn cầu, chúng ta phải làm việc cùng nhau để làm cho NPAP của Việt Nam thành công.

 

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vin Group:

Đẩy nhanh quá trình “xanh hóa” trong cộng đồng doanh nghiệp

Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về Nhựa và Rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam không chỉ là điểm khởi đầu mà còn là động lực mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi phát triển xanh, bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc tham gia Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về Nhựa và Rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam phù hợp với định hướng bền vững mà Vingroup đang theo đuổi. Qua việc tham gia Chương trình, chúng tôi muốn tiếp tục kêu gọi cho các doanh nghiệp tại Việt Nam cùng chung tay hành động. Đồng thời, hy vọng có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng doanh nghiệp, giúp họ giải quyết được những khó khăn trong quá trình “xanh hóa”, đẩy nhanh quá trình này trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và khu vực.

Nhận thức sâu sắc về vấn đề rác thải nhựa toàn cầu, Vingroup đã chủ động thực hiện các sáng kiến thay đổi, hướng tới mục tiêu “Vì tương lai xanh” trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Điển hình như Công ty Vinpearl thuộc Tập đoàn đã phát triển Dự án Go Green hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lông dùng một lần và chuyển đổi hầu hết vật dụng sang loại chất liệu thân thiện với môi trường, có thời điểm giảm tới gần 1,4 tấn nhựa trong 1 tháng trên toàn hệ thống...

Tập đoàn Vingroup luôn sẵn sàng đồng hành, tài trợ các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế trong các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và hạn chế rác thải nhựa hiệu quả.

 

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam:

Hợp tác xây dựng các chính sách

Hiện nay, hàng tỷ người đang sinh kế dựa vào đại dương và đại dịch Covid-19 đã gây ra những vấn đề lớn trên toàn thế giới. Điều này dẫn đến sự gia tăng của việc sử dụng đồ nhựa 1 lần, gây áp lực lớn hơn trong việc xử lý rác thải nhựa. Đó là lý do cần hỗ trợ các quốc gia trong quá trình phục hồi, xây dựng chính sách, tăng cường quản lý chất thải rắn và khuyến khích nền kinh tế tuần hoàn, ít chất thải hơn.

WB kết hợp với các nước G7, G20, ASEAN và các nước khác để đưa những vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương lên hàng đầu ở cấp độ khu vực cũng như địa phương. Chương trình của WB sẽ giúp xây dựng năng lực của các quốc gia trong hoạch địch chính sách dựa trên tăng cường đầu tư công cũng như tạo môi trường thuận lợi để có thể huy động đầu tư khu vực tư nhân, cải thiện quản lý chất thải rắn và thúc đẩy các nguyên tắc về nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Để thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa cần có đầu tư công và tư để tăng cường nguồn tài chính cho các hệ thống và các cơ sở quản lý chất thải một cách bền vững.

 

Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF - Việt Nam:

Đồng hành xây dựng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

WWF đã triển khai nhiều dự án tại Việt Nam. Tiêu biểu là WWF đang tài trợ và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại 9 tỉnh/thành trên toàn quốc, cùng với Diễn đàn Kinh tế Thế giới hỗ trợ vận hành Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa… WWF cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình xây dựng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững, thông qua việc đề ra và thực thi các giải pháp mang tính hệ thống, các biện pháp can thiệp về sách lược và chiến lược. Trong đó, tiếp tục sự ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam tham gia xây dựng và đàm phán về một Hiệp định toàn cầu do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc khởi xướng.

WWF sẽ tích cực hợp tác với Bộ TN&MT và các bên liên quan để thúc đẩy việc hình thành, vận hành cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu gom, xử lý bao bì nhựa sau sử dụng và giảm tối đa lượng rác nhựa bị thải bỏ, thất thoát ra môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng những mô hình và đầu tư vào các hệ thống quản lý chất thải hài hòa với hệ sinh thái tại các địa phương…

Tuyết Chinh - Hoàng Ngân (lược ghi)