Giảm rác thải nhựa: Chúng ta sẽ đạt được gì vào năm 2030
Môi trường - Ngày đăng : 09:58, 29/12/2020
Giảm rác thải nhựa
Với 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi năm, trong đó khoảng 10% là chất thải nhựa và số lượng này ngày càng gia tăng, vấn đề rác thải nhựa ở Việt nam đang trong tình trạng báo động đỏ. Mặc dù Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm nhựa và luôn tiên phong triển khai Chương trình hành động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa nhưng theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, thất thoát rác thải nhựa không chủ đích vào môi trường nước của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 106% từ năm 2021 đến năm 2030. Nếu chúng ta không có những hành động mang tính hệ thống và đột phá thì khó giải quyết triệt để vấn đề nhựa và chất thải nhựa, từ tái thiết kế vật liệu, sản xuất và tiêu thụ bền vững cho đến tăng cường năng lực quản lý chất thải.
Đối với Việt Nam, NPAP đã đề ra lộ trình hành động giảm thiểu, thay thế trong sản xuất và tiêu dùng nhựa giúp giảm được 26% lượng nhựa trong năm 2030, tương đương với 2,61 tấn nhựa. Thay đổi thiết kết sản phẩm, bao bì nhựa và thúc đẩy khâu tái chế đạt được giá trị kinh tế thông qua các công cụ về trách nhiệm mở trộng của nhà sản xuất; tăng cường hệ thống thu gom chất thải rắn sinh hoạt lên 100% tại khu vực thành thị và 90% tại khu vực nông thôn vào năm 2030; tăng gấp đôi năng lực tái chế lên đến 1,8 triệu tấn năm 2030; tăng chuẩn năng lực xử lý của các bãi rác kỹ thuật tiêu chuẩn thêm 170 triệu tấn và dừng việc thải bỏ chất thải tại các bãi rác lộ thiên vào năm 2028; tăng năng lực xử lý của các bãi rác thêm 170 triệu tấn.
Để đạt được những con số nêu trên, các chuyên gia cho rằng chúng ta cần hành động cụ thể trong việc cấm nhựa sử dụng 1 lần, mặt hàng khó tái chế; Đánh thuế đối với việc sử dụng nhựa nguyên sinh/nhựa khó tái chế; Cam kết nội bộ nhằm tái thiết kế bao bì giảm lượng nhựa sử dụng; Chuyển đổi sang tái sử dụng và các mô hình miễn phí bao bì trợ cao và ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp giấy và bao bì có thể phân hủy được… dành kinh phí mua sắm công đối với các mô hình tái sử dụng và phân phối.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, những vấn nạn về rác thải nhựa lỗi thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa không đúng cách. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Các siêu thị sử dụng túi ni lông thân thiện môi trường. Ảnh: Hoàng Minh |
Hỗ trợ thực hiện mục tiêu chiến lược của NPAP
Phát biểu kết luận tại buổi lễ, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, thời gian tới Ban Thư ký NPAP sẽ phối hợp với Tổng cục Môi trường đẩy mạnh quảng bá, tạo thuận lợi cho các đối tác công, tư và cộng đồng tham gia Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam để hình thành một nền tảng đặc trưng về xúc tiến đầu tư và huy động nguồn lực phục vụ các giải pháp tiềm năng cho vấn đề ô nhiễm nhựa trong nước và toàn cầu.
Đồng thời, Bộ TN&MT giao Tổng cục Môi trường làm đầu mối tiếp tục triển khai các nội dung trong Ý định thư đã được ký kết; khẩn trương xây dựng cơ cấu tổ chức và hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hoạt động của Chương trình NPAP Việt Nam trong các năm 2021 và năm 2022. Rà soát, hoàn thiện Báo cáo đánh giá sơ bộ về việc phát sinh rác thải nhựa tại Việt Nam và Báo cáo đề xuất lộ trình hành động giảm nhựa cho Việt Nam; đề xuất Kế hoạch hỗ trợ xây dựng, triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam.
Giao Tổng cục Biển và Hải đảo làm đầu mối tiếp tục phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, các nhà tài trợ và các đối tác triển khai thực hiện hiệu quả Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa Đại dương tại Việt Nam. Tạo cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam và quốc tế gặp gỡ, trao đổi học hỏi kinh nghiệm về tăng cường công tác quản lý rác thải nhựa. Trong đó, ưu tiên xây dựng quy định chi tiết nội dung về “Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương”, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất các sản phẩm nhựa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
“Tôi hy vọng rằng, Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về nhựa và Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa Đại dương tại Việt Nam được triển khai thực hiện thành công sẽ trở thành mô hình tiêu biểu, khẳng định các cam kết quốc tế của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trong khu vực” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.