Lĩnh vực tài nguyên nước tạo dấu ấn nổi bật trong năm 2020
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 18:33, 28/12/2020
13 công trình xóa khát tại 9 tỉnh ĐBSCL và Tây Nguyên
Ông Triệu Đức Huy - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Trong năm 2020, Trung tâm đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm ứng phó xâm nhập mặn, hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên.
Trung tâm đã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về điều tra, tìm kiếm nguồn nước, tổng hợp tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và báo cáo Bộ TN&MT danh sách các điểm có khả năng cung cấp nước, báo cáo Bộ kết quả triển khai các điểm nguồn cấp nước khẩn cấp chống hạn, mặn cho các tỉnh ĐBSCL và Tây Nguyên.
Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với các tỉnh trong vùng hạn hán, xâm nhập mặn, các cơ quan, tổ chức có liên quan để kịp thời hỗ trợ và tổ chức bàn giao 13 công trình cấp nước miễn phí tại 9 tỉnh ĐBSCL, Tây Nguyên (Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Gia Lai, Kiên Giang, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Kon Tum), cung cấp nước miễn phí cho khoảng 74.211 người dân. Trong đó, 10 công trình cấp nước ở ĐBSCL đã cung cấp cho khoảng 58.031 người, 3 công trình cấp nước ở Tây Nguyên đã cung cấp cho khoảng 16.180 người dân địa phương được sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Theo ông Triệu Đức Huy, nhiệm vụ quan trắc quốc gia tài nguyên nước là nhiệm vụ thường xuyên, được triển khai liên tục hàng năm trên cơ sở Đề cương nhiệm vụ được Bộ TN&MT phê duyệt. Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã triển khai việc rà soát nội dung sản phẩm quan trắc, hiện trạng các công trình cũng như tình hình trang thiết bị quan trắc hiện có để có phương án chủ động trong lập và thực hiện nhiệm vụ năm 2020, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, đảm bảo cho hệ thống quan trắc được vận hành thông suốt, hiệu quả từ Trung tâm đến quan trắc viên.
Ông Triệu Đức Huy cho biết, năm 2020, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung tâm cũng gặp phải nhiều khó khăn trong công tác điều tra, tìm kiếm, quan trắc tài nguyên nước do hầu hết các nhiệm vụ của Trung tâm đều thực hiện ở thực địa, trong khi đó, Trung tâm luôn đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.
Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch tài nguyên nước đang hoàn thiện, hệ thống thông tin, dữ liệu, số liệu phục vụ công tác chuyên môn còn thiếu, không tập trung, gây khó khăn trong thực hiện các dự án chuyên môn, đặc biệt, các dự án về quy hoạch tài nguyên nước của Trung tâm.
Trong năm 2021, Trung tâm sẽ tiếp tục tập trung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện 5 dự án thuộc nhiệm vụ Chính phủ; 19 dự án thuộc nhiệm vụ chuyên môn cấp Bộ; nhiệm vụ đặc thù; nhiệm vụ đối ứng; các nhiệm vụ khoa học công nghệ; nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa tài sản cố định.
Cơ sở dữ liệu đưa vào tác nghiệp rút ngắn 40% khối lượng công việc
Góp ý cho báo cáo, ông Bùi Du Dương - Trưởng Ban Quan trắc tài nguyên nước thuộc Trung tâm cho biết: Với mục tiêu chuyển đổi số của ngành, Trung tâm đã tập trung hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu đưa vào tác nghiệp. Từ khi đưa vào tác nghiệp đến nay, đã từng bước đáp ứng yêu cầu công việc, giúp rút ngắn 40% khối lượng công việc lao động thủ công. Đây là kết quả nổi bật trong năm qua.
Ông Triệu Đức Huy - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia báo cáo tại Hội nghị |
Theo ông Bùi Du Dương, hiện đại hóa, tự động hóa là nhiệm vụ quan trọng trong quan trắc tài nguyên nước. Mới đây, Trung tâm đã từng bước hiện đại hóa, tự động hóa mạng lưới quan trắc ở ĐBSCL để cung cấp thông tin kịp thời hơn, từng bước tiến tới một hệ thống quan trắc tự động, hiện đại theo mục tiêu của Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Lãnh đạo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia điều hành Hội nghị |
"Trung tâm đã chuyển đổi toàn bộ các mô hình nước dưới đất sang mô hình FEFLOW, làm tiền đề cho việc tích hợp với mô hình nước mặt, nước dưới đất vào hệ thống hỗ trợ ra Hệ hỗ trợ quyết định (DSS) phủ kín các lưu vực sông trên phạm vi toàn quốc", ông Bùi Du Dương cho biết thêm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đánh giá, trong năm 2020, Trung tâm đã đoàn kết, nhất trí một lòng để hoàn thành kế hoạch trong điều kiện hết sức khó khăn. Cụ thể, trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, Trung tâm đã nhanh chóng bàn giao kết quả công việc cho các địa phương, cũng như triển khai các công trình cung cấp nước cho bà con ở khu vực này, tạo dấu ấn hết sức tốt đẹp cho ngành TN&MT. Qua đó, thể hiện Trung tâm rất có trách nhiệm với cộng đồng, kể cả trong những công việc Trung tâm không được giao chủ trì.
“Để làm tốt hơn nữa công tác trong năm tới trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Trung tâm cần phát huy hơn nữa tinh thần làm việc để tìm ra các giải pháp hữu hiệu. Ngoài ra, tập trung hoàn thiện các quy hoạch lưu vực sông trong năm 2021. Đồng thời, cố gắng trình đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và đề án kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; chỉ ra những việc cần làm trong 5 - 10 năm sắp tới để tiến tới tổng kết, sửa đổi Luật Tài nguyên nước”, Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Trịnh Đình Duyên - Phó Chánh Văn phòng Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2015 - 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.