Hà Tĩnh: Chủ động các giải pháp ứng phó sự cố tràn dầu trên biển

Môi trường - Ngày đăng : 10:05, 28/12/2020

(TN&MT) - Vùng biển Hà Tĩnh có lượng tàu ra vào cảng biển khá đông, đặc biệt là tàu trung chuyển xăng dầu từ hoạt động dầu khí tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu. Do đó, bảo đảm an ninh môi trường phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tạo động lực phát triển kinh tế                 

Với bờ biển dài 137 km từ Cửa Hội, huyện Nghi Xuân đến vùng biển Kỳ Nam, thị xã Kỹ Anh cùng nhiều cửa biển, thềm lục địa rộng lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để Hà Tĩnh phát triển kinh tế biển, đặc biệt là hình thành các khu kinh tế, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề đa dạng để khai thác tiềm năng của Cảng biển…

Theo ông Đặng Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, phát triển kinh tế biển của Hà Tĩnh nói chung, đặc biệt là cảng biển chưa bao giờ được khai thác mạnh mẽ như hiện nay. Thành quả có được như hôm nay bắt đầu từ những chủ trương đúng đắn, đầu tư đúng hướng để phát triển kinh tế biển.

Khu vực Cảng Vũng Áng bình quân mỗi tháng có 120 lượt tàu cập cảng vận chuyển hàng hóa

Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 cũng đã khẳng định nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ là “xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng sớm trở thành khu kinh tế động lực tầm cỡ quốc gia, quốc tế”. KKT Vũng Áng phát triển phải gắn với phát triển Cụm cảng quốc tế nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.

Với vị trí thuận lợi, nằm giữa hai sân bay quốc gia, cách sân bay Vinh 100km; cách sân bay Đồng Hới 60km; Các tuyến giao thông chính của quốc gia đều chạy qua, tuyến Bắc - Nam có Quốc lộ 1A, đường sắt cao tốc và đường bộ cao tốc Bắc Nam đã được quy hoạch và xây dựng; tuyến Đông - Tây và Quốc lộ 12 bắt đầu tại cảng Vũng Áng đi Cửa khẩu Chalo tỉnh Quảng Bình sang Lào và Thái Lan. Từ những lợi thế nói trên, có thể nói cảng nước sâu Vũng Áng là động lực cho sự phát triển về kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh, khu vực và về sự hợp tác giữa đầu tư quốc tế, cùng phát triển giữa Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan.

Nhằm đáp ứng nhu cầu, tận dụng tiềm năng tạo động lực cho phát triển kinh tế, Cụm cảng Vũng Áng được quy hoạch là khu bến tổng hợp cho tàu trọng tải 3 - 5 vạn DWT, tàu container sức chở 4.000 TEU; có bến chuyên dùng nhập than phục vụ trung tâm nhiệt điện cho tàu trọng tải 3 - 10 vạn DWT, bến tiếp nhận sản phẩm lỏng của tổng kho xăng dầu cho tàu trọng tải đến 3 vạn DWT.Tận dụng về các lợi thế của điều kiện tự nhiên, thêm vào các chính sách ưu đãi của KKT nên trong thời gian qua, các tập đoàn trong nước, thế giới đã và đang xem KKT Vũng Áng là một điểm đến về đầu tư. Kéo theo đó là các hoạt động giao thông trên vùng biển diễn ra với lưu lượng tăng mạnh.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh thu gom chất thải làm sạch bờ biển

Theo quy hoạch có 15 bến, hiện nay một số bến đã đưa vào khai thác, trong đó có những bến năng lực xếp dỡ hơn 03 triệu tấn/năm, gồm: Bến chuyên dùng sản phẩm dầu của Tổng kho xăng dầu; bến chuyên dùng nhập than của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1. Hiện nay, các nhà đầu tư tiến hành đầu tư thêm nhiều  bến thương mại 3, 4, 5, 6

Nhờ có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi, đặc biệt là hệ thống cảng Vũng Áng trong thời gian đầu phát triển Khu kinh tế, cảng nước sâu Vũng Áng hiện nay mà đến thời điểm hiện nay, tại Khu kinh tế Vũng Áng đã thu hút được hơn 130 dự án đầu tư, gồm 75 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký 50,687 nghìn tỷ đồng và 55 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký 11,844 tỷ USD.

“Mừng mà lo”-Thách thức lớn với môi trường

Bên cạnh khai thác tiềm năng lợi thế biển, tạo động lực phát triển kinh tế thì hoạt động giao thông trên vùng biển, cảng biển Hà Tĩnh cũng đặt ra không ít thách thức về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các hoạt động có nguy cơ cao xẩy ra các sự cố tràn dầu trên biển.

Rất nhiều doanh nghiệp chủ quan cho rằng sự cố tràn dầu rất ít khi xảy ra, thậm chí xác xuất gần như bằng không. Do đó, khi sự cố tràn dầu xảy ra, các doanh nghiệp rất lúng túng trong ứng phó, không khẩn trương kiểm soát được ô nhiễm khiến dầu tràn loang rộng. Sự cố tàu Nordana Sophia 9000 tấn bị chìm trên vùng biển Hà Tĩnh xảy ra vào năm 2019 đã giống lên một hồi chuông cảnh báo.

Sự cố tàu Thái Lan  chìm trên vùng biển Hà Tĩnh

Được biết, khi tàu Nordana Sophia di chuyển cách mũi Ròn khoảng 2km và cách cảng Vũng Áng - Sơn Dương khoảng 10km thì bị thủng mạn tàu, nước tràn vào buồng máy nhanh khiến tàu bị nghiêng, trên tàu lúc đó còn chứa 180 tấn dầu, nguy cơ tràn ra biển là rất cao. Mặc dù vậy, nhờ sự vào cuộc ứng cứu kịp thời của các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, công tác xử lý dầu tràn ra biển từ tàu Nordana Sophia của Thái Lan đã được ngăn chặn.

Ông Phạm Hữu Tình- Trưởng Phòng Môi trường thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh chia sẽ: “Sự cố xẩy ra năm 2019 của tàu Nordana Sophia Thái Lan để lại nhiều bài học kinh nghiệm, qua đó cũng đánh giá lại công tác chuẩn bị cho các lực lượng chức năng, kịp thời khắc phục những khiếm khuyết.

Với phương châm “phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường”, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phân công, giao trách nhiệm Bộ đội Biên phòng tỉnh là cơ quan thường trực ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh trên biển. Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan ham mưu UBND tỉnh lập Sở chỉ huy hiện trường ứng phó sự cố tràn dầu  khi có nguy cơ xẩy ra hoặc xảy ra sự cố.

Trao đổi với Phóng viên,  Đại tá Hoàng Viết Dũng- Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “ Ban thường trực luôn nêu cao trách nhiệm, chủ động các giải pháp ứng phó với tất cả các tình huống có thể xẩy ra, trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác phòng ngừa. Đặc biệt, các tàu khi đi vào vùng biển Hà Tĩnh phải cung cấp lịch trình, chủ tàu và công tác đảm bảo môi sinh, môi trường”

Trên tinh thần đó, thời gian qua Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã chủ trì, phối hợp với nhiều đơn vị có liên quan triển khai diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên biển, xây dựng phương án dự phòng để có sự chủ động, kiểm tra an toàn kỹ thuật chặt chẽ trước khi tàu vào cảng. Hiện nay, tại các điểm của Hà Tĩnh như Cảng Vũng Áng, Xuân Hội, Cửa Sót… có nhiều hoạt động tàu thuyền ra vào.

Đại tá Hoàng Viết Dũng- Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh

Thống kê cua Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, khu vực Cảng Vũng Áng đang là địa điểm phải tập trung ứng cứu cao nhất hiện nay, bình quân có 120 lượt tàu/ tháng có công suất lớn ra vào. Do đó, công tác kiểm soát an toàn trước các nguy cơ xẩy ra sự cố được tập trung giải quyết, các chủ tàu phải chấp hành quy định, chế tài xử lý nếu không sẽ yêu cầu rời cảng và nhất là đối với tàu nước ngoài.

“Không chỉ kiểm soát tàu vào, tàu trước khi rời cảng các van khóa phải được kiểm tra đảm baỏ an toàn cho môi trường. Nhờ vậy mà Hà Tĩnh thời gian qua không để xẩy ra sự cố tràn dầu nào”, Đại tá Hoàng Viết Dũng chia sẽ thêm:

Đại tá Hoàng Viết Dũng cũng thừa nhận công tác ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển còn gặp rất nhiều khó khăn, tốc độ phát triển của các dự án hiện nay quá nhanh, trong khi đó trình độ quản lý, thiết bị để ứng phó chưa tương xứng, cần phải chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh, Hà Tĩnh có đặc điểm khí hậu phức tạp, độ nông sâu của cảng biển rất khó khăn cho quá trình triển khai ứng cứu.

 

 

 

 

 

 

 

 

Đức Cảnh