Sẽ có Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ngành đo đạc bản đồ
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 13:58, 28/12/2020
Bên cạnh đó, Chương trình còn giúp cho học viên hoàn thiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định để có cơ sở tuyển dụng, bổ nhiệm, xếp lương vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành đo đạc bản đồ.
Theo đó, Chương trình Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành đo đạc và bản đồ được áp dụng cho viên chức hoạt động nghề nghiệp trong lĩnh vực đo đạc bản đồ nhưng tốt nghiệp trung cấp trở lên các chuyên ngành không phải trắc địa, bản đồ, viễn thám, đất đai, địa chính, địa lý. Người lao động làm việc trong lĩnh vực đo đạc bản đồ nhưng có trình độ đào tạo các chuyên ngành khác phải hoàn thành Chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
Về mục tiêu cụ thể, TS. Nguyễn Đức Toàn cho biết, Chương trình giúp cho học viên hiểu được những kiến thức cơ bản về nguyên lý nghiên cứu bề mặt hình học và vật lý Trái đất; các hệ quy chiếu, các phép chiếu, các hệ tọa độ trong đo đạc bản đồ, cơ sở toán học của bản đồ; lý thuyết sai số và xử lý số liệu; cơ sở lý thuyết các phương pháp thu nhận thông tin không gian; cơ sở dữ liệu thông tin địa lý.
Hình thành kỹ năng trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức, đặc biệt là các kỹ năng đo đạc và xử lý số liệu hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu; xử lý ảnh vệ tinh; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý; tích hợp được công nghệ (GNSS), công nghệ viễn thám (RS) và công nghệ thông tin địa lý (GIS) trong nghiên cứu tài nguyên môi trường; vận dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của lĩnh vực đo đạc bản đồ trong hoạt động nghề nghiệp.
|
Chương trình được thiết kế thông qua các chuyên đề được sắp xếp theo thứ tự kiến thức cơ bản đến kiến thức kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành nhằm tạo điều kiện dễ dàng điều chỉnh và đổi mới nội dung từng chuyên đề mà không làm ảnh hưởng tới kết cấu chung. Đặc biệt, trong mỗi phần kiến thức có các chuyên đề phù hợp với đối tượng và tính chất hoạt động nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành đo đạc bản đồ.
Bên cạnh đó, ngoài nội dung nghiên cứu thực tế và kiểm tra, Chương trình gồm 8 chuyên đề giảng dạy và được chia thành 2 phần: Kiến thức cơ bản và kiến thức kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành.
Đánh giá về Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành đo đạc và bản đồ được Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường biên soạn, ông Dương Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho rằng: Chương trình được biên soạn khoa học, nội dung chuyên đề phù hợp với vị trí việc làm và tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng viên chức chuyên ngành đo đạc bản đồ. Các chuyên đề thiết thực, phù hợp với trình độ của học viên nhằm nâng cao tính tự học, tự nghiên cứu và sau khi học xong, học viên có thể vận dụng vào công việc được giao.
Theo ông Nguyễn Bá Dũng, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận xét, Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành đo đạc và bản đồ các chuyên đề đã được biên soạn theo kết cấu mở để tạo điều kiện cho các cơ sở bồi dưỡng và giảng viên thường xuyên cập nhật, bổ sung những nội dung mới và tiến bộ khoa học về đo đạc bản đồ.