Hậu Giang: Hành động ứng phó BĐKH phát triển bền vững

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:45, 27/07/2020

(TN&MT) - Nhằm nâng cao năng lực quản lý, giám sát biến đổi khí hậu (BĐKH) và tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH phát triển bền vững, tỉnh Hậu Giang đang thu thập nhiều ý kiến đóng góp cho kế hoạch hành động ứng phó BĐKH.

Nội dung dự thảo của kế hoạch nhằm đánh giá tác động của BĐKH đến môi trường tự nhiên và các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ đó xác định giải pháp ứng phó. Nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH và thúc đẩy việc lồng ghép các yếu tố BĐKH vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, đề xuất giải pháp và danh mục dự án ưu tiên nhằm ứng phó với BĐKH cho tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mô hình kè sinh thái được người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thực hiện phát triển bền vững

 

Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ tăng cường năng lực quản lý, giám sát BĐKH, giảm thiểu phát thải nhà kính, thích ứng với BĐKH, tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về BĐKH. Thực hiện lồng ghép các yếu tố về BĐKH trong tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm chủ động ứng phó với BĐKH và tận dụng cơ hội từ BĐKH để phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân, hướng tới bảo đảm mục tiêu bền vững và tăng trưởng xanh.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng trong thời gian qua biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh phức tạp. Tỉnh rất quan tâm đến phòng, chống BĐKH, đặc biệt là xâm nhập mặn, tình hình thiếu nước và sạt lở bờ sông. Trên tinh thần đó, thông qua nội dung dự thảo thực hiện nhiệm vụ xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị tư vấn giải quyết những vấn đề các sở, ngành đặt ra để bổ sung, điều chỉnh cho kế hoạch khi triển khai thực hiện vào thực tiễn mang tính khả thi.

Theo ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong định hướng cho kế hoạch nên lấy kết quả đánh giá khí hậu, phát triển kinh tế của tỉnh và dự báo đến năm 2030-2050 có ảnh hưởng đến Hậu Giang, cũng như cách ứng phó. Kể cả cơ cấu giải quyết việc làm và sự phát triển các lĩnh vực nông, lâm, ngư, công nghiệp phát triển ra sao.

Tìm giải pháp để giảm năng lượng và hướng đến năng lượng tái tạo được ngành công thương quan tâm thực hiện. Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho rằng đối với ngành, việc ứng phó BĐKH làm sao giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Mục tiêu hướng đến là năng lượng tái tạo, việc tiêu tốn năng lượng làm sao giảm một cách hiệu quả nhất. Do đó, để ứng phó với BĐKH nhưng vẫn đảm bảo cho sự phát triển, Sở Công thương sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi thêm về các giải pháp thực hiện để hoàn chỉnh cho kế hoạch chung của tỉnh. 

Còn ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thì cần đánh giá thiên tai và thiệt hại trong thời gian qua. Vì vậy, chú trọng giải pháp thực hiện việc ứng phó quan trọng nhất là quy hoạch. Trong khi khó khăn của ngành giao thông hiện nay là còn gặp hiện tượng lún nền tự nhiên, do đó cần bổ sung giải pháp để khắc phục hiện tượng này. Theo đó, trong thời gian qua một số mô hình kè sinh thái đưa vào thực hiện trên các kênh, rạch rất có hiệu quả nên nhân rộng để ứng phó, thích ứng BĐKH cho thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Diên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, cho biết: Nội dung kế hoạch thực hiện cần có từng mục tiêu cụ thể, giải pháp từng ngành và đề ra danh mục dự án sát tình hình tới. Hướng của ngành xây dựng là mục tiêu xây dựng đô thị xanh thích ứng BĐKH. Đối với các công trình, dự án, đều hướng tới xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng.

Góp ý cho xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Lợi, Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét: Nội dung cơ bản đã xây dựng được mục tiêu nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp với hướng dẫn chung theo Công văn 180 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Công văn 180). Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh. Liệt kê được danh mục ưu tiên các dự án thích ứng với BĐKH, giảm thải khí nhà kính và nêu rõ lộ trình triển khai, nguồn lực thực hiện cho công tác thích ứng với BĐKH địa phương. Tuy nhiên, cần làm nổi bật các sản phẩm chính theo hướng dẫn Công văn 180. Cần kết hợp với kết quả nhiệm vụ đánh giá khí hậu địa phương tỉnh Hậu Giang để cung cấp thông tin về diễn biến khí hậu địa phương trong quá khứ được tốt hơn, bao gồm các thông tin về xu thế biến đổi, mức độ dao động, biến thiên của các yếu tố khí hậu cơ bản và diễn biến các hiện tượng cực đoan khí hậu, khí tượng thủy văn tại địa phương. Cần làm rõ giai đoạn tương lai theo kịch bản phát thải và công cụ nào cho cụ thể.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, các dự án ưu tiên được đề xuất trong báo cáo nhiệm vụ là tương đối hợp lý, chỉ cần rà soát lại việc kết hợp giữa các cơ quan liên quan nhằm giảm kinh phí và thời gian. Báo cáo là cơ sở cần thiết cho các lãnh đạo và ban, ngành tham khảo để xây dựng chi tiết cho chương trình hành động ứng phó BĐKH của ngành mình và xem xét hoạt động của các ngành liên quan khác để liên kết và phối hợp hành động theo mục tiêu chung cho sự phát triển của tỉnh nhà, giảm nhẹ các thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân, đồng thời hỗ trợ cho những đối tượng dễ bị tổn thương do BĐKH và thiên tai.

Theo đó, báo cáo cũng có những cảnh báo tác động xuyên tỉnh như ô nhiễm có thể lan truyền từ nơi này sang nơi khác. Nên bổ sung xây dựng các bản đồ tổng hợp và bản đồ theo dõi đánh dấu các điểm có nguy cơ rủi ro, tổn thương do BĐKH, nguy cơ ô nhiễm nguồn điểm và ô nhiễm nguồn diện theo các tiêu chí chất lượng môi trường, nguy cơ xâm nhập mặn, sự phân tán theo mùa trong năm. Đánh dấu các điểm quan trắc và nếu có công trình xử lý môi trường thì phải có định vị các công trình này...

Quảng Minh