Sóng bất động sản đổ về vùng ven

Bất động sản - Ngày đăng : 22:00, 24/12/2020

(TN&MT) - Xu hướng đầu tư ra vùng ven đang dẫn dắt thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian qua. Những vùng đất lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Long An, Bình Dương hay những thị trường tiềm năng như Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu… trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp địa ốc.

Ảnh minh họa

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, xu hướng dịch chuyển nguồn cung, sản phẩm ra các tỉnh lân cận của các chủ đầu tư BĐS không phải là mới. Những năm trước, TP.HCM phát triển mạnh do nguồn cung, hạ tầng phát triển thì những thị trường lân cận như Đồng Nai, Long An… hơi mờ nhạt. Tuy nhiên, hiện nay tại TP.HCM với sự khó khăn về nguồn cung, vấn đề pháp lý liên quan đến khả năng phát triển dự án của các chủ đầu tư thì sẽ có sự dịch chuyển. Nơi nào có quỹ đất tốt, nhu cầu khách hàng có, có khả năng bán hàng thì chủ đầu tư sẽ đầu tư vào.

“Bản thân các chủ đầu tư đã chạy rất nhiều để tìm được quỹ đất phát triển, trong bối cảnh thị trường TP.HCM đang khó khăn, các chủ đầu tư phải tìm cách tồn tại và phát triển. Về tiềm năng phát triển thị trường TP.HCM vẫn có, nhu cầu nhà ở vẫn cao. Khi các yếu tố về pháp lý, sự khó khăn ở thị trường này được tháo gỡ thì các nhà đầu tư sẽ tự động quay lại thị trường. Đây là xu hướng hoàn toàn dễ hiểu, sự dịch chuyển cung cầu, sản phẩm thay thế là quy luật bình thường trên thị trường", ông Kiệt nhấn mạnh.

Theo nhiều doanh nghiệp BĐS, đầu tư vào thị trường vùng ven bên cạnh khai thác thế mạnh về quỹ đất rộng, giá tương đối thấp thì ở đây chính quyền cũng tạo nhiều điều kiện để thu hút đầu tư do đó, thủ tục xin phép để triển khai một dự án cũng được rút gọn, dễ dàng hơn. Đặc biệt, hơn cả là ở những thị trường này đang có các bệ phóng là các dự án hạ tầng quan trọng sắp được triển khai.

Chia sẻ về vấn đề này, CEO một doanh nghiệp BĐS đánh giá, bản thân doanh nghiệp địa ốc phải linh hoạt trong chiến lược, nếu không tồn tại sẽ không phát triển được. Điều quan trọng nhất lúc này là linh hoạt trong chiến lược, làm sao để doanh nghiệp tồn tại trong sự khó khăn, thì doanh nghiệp phải có mục tiêu, chiến lược bền vững và đột phá, không thể bó mình vào một khung được.

Vị CEO này dẫn chứng, thời gian qua doanh nghiệp chọn thị trường Quy Nhơn, Bình Định để làm dự án trong bối cảnh quỹ đất TP.HCM khan hiếm và rất thành công, dự kiến sẽ tiếp tục tìm kiếm quỹ đất ở các tỉnh lân cận để kinh doanh.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, thực ra các doanh nghiệp đã nhìn thấy những khó khăn này từ từ 5 – 10 năm trước. Cộng hưởng với năm 2019 khi những khó khăn về quỹ đất và pháp lý rủi ro tại TP.HCM thì các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển ở các thị trường vùng ven và lân cận là điều tất yếu. Bởi vì thị trường vùng ven có quỹ đất rộng và giá cả thấp hơn, nhưng sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, người mua có nhu cầu ở.

“Đầu tư BĐS tại các vùng ven là một hướng đi triển vọng cho những người đầu tư có nguồn vốn ít trong thị trường hiện nay. Tuy nhiên, trước khi xuống tiền nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ quy hoạch, hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông để có cái nhìn toàn diện nhất”, ông Khương khuyến cáo.

Thục Vy