Điều tra quặng hóa đồng - uran ở Kon Tum: Áp dụng hiệu quả tổ hợp các phương pháp

Khoáng sản - Ngày đăng : 12:20, 24/12/2020

(TN&MT) - Việc phát hiện mới quặng hóa đồng - uran ở khu vực Kon Rá, tỉnh Kon Tum là thành quả của việc nghiên cứu áp dụng tổ hợp các phương pháp địa vật lý phối hợp địa chất. Trong đó, công tác bay đo địa vật lý mang tính định hướng, công tác phổ tra mặt đất trên diện tích dự báo triển vọng khoáng sản là phương pháp tìm kiếm trực tiếp về loại khoáng sản. Tổ hợp các phương pháp đo điện đã đánh giá được quy mô của chúng tồn tại dưới sâu.

Phát hiện mới đầy triển vọng

Đề án “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 nhóm tờ Kon Plong” được giao cho Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam thực hiện từ năm 2007. Trên diện tích khu vực đo vẽ thành lập bản đồ, năm 2001 Liên đoàn Vật lý Địa chất đã thực hiện Đề án “Bay đo từ phổ gamma tỉ lệ 1:50.000 và đo vẽ trọng lực tỉ lệ 1:100.000 vùng Kon Tum”. Liên đoàn Vật lý Địa chất đã tiến hành thu thập, tổng hợp và xử lý tài liệu địa vật lý hàng không bằng phương pháp thống kê, nhận dạng đối tượng để dự báo diện tích triển vọng khoáng sản kim loại nội sinh định hướng cho công tác điều tra, phát hiện và đánh giá khoáng sản.

Công tác kiểm tra chi tiết những khu vực có dấu hiệu triển vọng khoáng sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỉ lệ 1:50.000, kết quả đã xác định được khu vực Kon Rá, xã Đắk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum có triển vọng quặng đồng -uran. Liên đoàn Vật lý Địa chất đã lựa chọn tổ hợp phương pháp địa vật lý mặt đất để nghiên cứu trường quặng đồng - uran Kon Rá nhằm khoanh định quy mô đới chứa quặng đã được phát hiện lộ trên mặt và dự đoán chúng phát triển theo chiều sâu.

Khoan lấy mẫu quặng ở Kon Tum

Theo ông Nguyễn Trường Lưu thuộc Liên đoàn Vật lý Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), khu vực Kon Rá nằm trong diện tích Đề án “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 nhóm tờ Kon Plong”. Trước khi đo vẽ lập bản đồ địa chất tỉ lệ 1: 50.000, tài liệu địa chất khoáng sản khu vực Kon Rá chỉ có các thông tin từ bản đồ địa chất và khoáng sản nhóm tờ Măng Đen - Bồng Sơn tỉ lệ 1: 200.000. Đặc điểm địa chất khoáng sản khu vực này khá đơn giản. Về khoáng sản, trên diện tích 8000 km2 khu vực Kon Rá, theo tài liệu bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:200.000 tờ Măng Đen chưa phát hiện được loại hình khoáng sản nào.

Kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu

Ông Nguyễn Trường Lưu cho biết: Tổ hợp các phương pháp nghiên cứu kết hợp giữa phương pháp bay đo từ phổ gamma - điều tra địa chất và địa vật lý mặt đất đã phát hiện được trường quặng đồng - uran khu vực Kon Rá. Đó là kết quả của công tác xử lý, phân tích tài liệu từ - phổ gamma hàng không đã dự báo diện tích (DR3) có triển vọng khoáng sản Cu - U khu vực Kon Rá phù hợp với kết quả khảo sát, điều tra địa chất tỉ lệ 1:50.000 nhóm tờ Kon Plong và khu chi tiết Kon Rá tỉ lệ 10.000 đến 5.000.

Kết quả các phương pháp địa vật lý đo xạ (xạ đường bộ theo lộ trình địa chất và phổ gamma mặt đất), các phương pháp điện (điện phân cực, trường chuyển và từ tellua) đã khoanh định được quy mô phân bố theo diện và theo chiều sâu đới khoáng hóa Cu - U khu vực Kon Rá phù hợp với địa tầng 9 lỗ khoan theo tài liệu đo điện trên 3 tuyến địa vật lý. Kết quả đã phát hiện mới quặng Cu - U đạt hàm lượng công nghiệp và quy mô khá lớn trong khu vực để tiếp tục đánh giá, thăm dò và khai thác.

Ông Phan Đức Lễ (Liên đoàn Vật lý địa chất) cho rằng, kết quả nghiên cứu áp dụng tổ hợp các phương pháp địa vật lý - địa chất đã mang lại hiệu quả trong điều tra, tìm kiếm và đánh giá khoáng sản Cu - U khu vực Kon Rá. Để có được kết quả này, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã tiến hành bay đo địa vật lý. Công tác bay đo địa vật lý (từ phổ gamma hàng không và đo vẽ trọng lực mặt đất) được thực hiện trước tiên trên diện tích lớn. Ưu việt của phương pháp là thi công nhanh, số liệu địa vật lý đồng bộ và khách quan. Sản phẩm của phương pháp là thành lập được các bản đồ trường từ, phổ gamma và trọng lực, đặc biệt thành lập được bản đồ các dị thường địa vật lý.

Liên đoàn cũng đã xử lý số liệu bằng bộ chương trình tiên tiến với công nghệ hiện đại để thống kê, nhận dạng đối tượng. Qua đó, thành lập được sơ đồ dự báo các diện tích có triển vọng khoáng sản, loại hình khoáng sản nội sinh.

Ngoài ra, trên cơ sở kết quả xử lý số liệu địa vật lý hàng không, Liên đoàn đã tiến hành phổ tra trên các diện tích dự báo triển vọng khoáng sản đồng thời đánh giá bản chất dị thường liên quan loại hình khoáng sản. Bên cạnh đó, tiến hành điều tra chi tiết bằng tổ hợp các phương pháp địa chất, địa vật lý hợp lý theo các loại hình khoáng sản đã xuất lộ trên mặt để dự báo khoáng sản dưới sâu và khoáng sản ẩn.

Mai Đan