Xác lập vị thế chủ đạo
Xã hội - Ngày đăng : 10:31, 24/12/2020
Chính vì thế, để phát triển bền vững trong thế kỷ 21, Chiến lược phát triển của Việt Nam xác định rõ, coi hạ tầng thông tin kỹ thuật là quan trọng, tài nguyên là nguồn lực đặc biệt, môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững. Trong xu thế phát triển rất nhanh, nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ rất lớn, kéo theo đó là những tác động tiêu cực tới môi trường sống.
Các chuyên gia, các nhà kinh tế đã chỉ ra rằng, tài nguyên là đầu vào của nền kinh tế, cung cấp các điều kiện thiết yếu cho cuộc sống của con người. Trong thời gian tới, khi mà nền kinh tế phát triển theo chiều rộng, dựa nhiều vào khai thác tài nguyên; các cấp, các ngành quá chú trọng tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ bảo vệ môi trường sẽ là một thách thức rất lớn đối với sự phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.
Ảnh minh họa |
Là một trong ba trụ cột phát triển bền vững của nền kinh tế, một thách thức không nhỏ khác là làm sao để phát huy thế mạnh của một ngành kinh tế - kỹ thuật kết hợp nhiều lĩnh vực tương đối khác nhau về bản chất, nhiệm vụ; tạo mối liên kết giữa các lĩnh vực.
Mọi hoạt động của ngành Tài nguyên và Môi trường phải hướng tới con người, vì lợi ích chung của toàn xã hội. Vì vậy, cần xây dựng một đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ cao, tinh thần phục vụ tốt; đầu tư hệ thống trang thiết bị ngang tầm thế giới.
Thêm nữa, cần liên kết các nguồn lực, kết hợp việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy ngành Tài nguyên và Môi trường phát triển.
Bên cạch việc đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện hàng loạt các chính sách về quản lý tài nguyên và môi trường ngày một hoàn thiện, các cơ chế quản lý và bảo vệ môi trường cũng được thể chế hóa trên cơ sở xác định, mà Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là một minh chứng. Điều đó cũng tiếp tục khẳng định: Bảo vệ môi trường là thước đo hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động kinh tế; nâng cao đóng góp từ hoạt động bảo vệ môi trường cho ngân sách Nhà nước và tăng trưởng kinh tế.
Ngoài tạo lập một môi trường sạch, bền vững, các thủ tục hành chính cũng được rà soát theo hướng tạo sự thông thoáng, thuận tiện đối với các tổ chức cá nhân. Công tác tổ chức cán bộ phải lấy nhân tố phát hiện nhân tài và phát triển con người làm hạt nhân đảm bảo sự hoàn thiện của hệ thống. Cơ chế và tổ chức bộ máy là giải pháp đột phá tạo cơ sở để phát huy tính hiệu quả của nguồn nhân lực. Từ đó tạo thành sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường, đóng góp hiệu quả cho kinh tế quốc dân, góp phần tích cực vào đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Xây dựng môi trường sạch, nhưng con người luôn được xác định là trung tâm để triển khai, thực hiện và đưa các chính sách vào cuộc sống. Đây cũng là trăn trở của các cấp lãnh đạo ngành Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, khó khăn nhất vẫn là xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Chỉ riêng hai lĩnh vực quản lý đất đai và khoáng sản, hầu hết cấp cơ sở đều thiếu nhân lực.
Tại nhiều địa phương, cán bộ làm công tác quản lý đất đai còn kiêm quản lý xây dựng. Việc thiếu cán bộ chuyên trách đã dẫn đến nhiều hệ lụy như: tiêu cực, giải quyết nhiều phần việc không đúng chức năng, thẩm quyền. Do thiếu cán bộ, lại kiêm nhiệm nên công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản cũng bị buông lỏng.
Bên cạnh những thuận lợi, những khó khăn kể trên cho thấy, công tác quản lý tài nguyên và môi trường ở cơ sở còn cần nhiều thời gian để củng cố. Chỉ khi có được một đội ngũ cán bộ có chuyên môn, được rèn luyện, thử thách và chính quy, trong sạch thì khi đó mới khai thác hết đựợc các giá trị kinh tế của tài nguyên, đưa ngành Tài nguyên và Môi trường trở thành một lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế.