Những “nút thắt” về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Gỡ bằng thể chế và thực tiễn

Đất đai - Ngày đăng : 10:29, 24/12/2020

(TN&MT) - Để giải quyết tình trạng nhức nhối trên, thời gian qua, Bộ TN&MT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương để thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận. Các địa phương cũng đang tích cực rà soát, vào cuộc để tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.

Theo ý kiến của cơ quan quản lý thuộc Bộ TN&MT, để giải quyết vấn đề cấp Giấy chứng nhận tại các đô thị cần tập trung vào 3 giải pháp.

Thứ nhất là UBND cấp tỉnh phải tập trung rà soát thống kê, phân loại và xử lý các trường hợp còn tồn đọng, nhất là tại cac chung cư, khu tập thể cũ của các cơ quan đơn vị, công khai từng loại hình cụ thể để người sử dụng đất, sở hữu nhà ở, nắm được.

Thứ hai là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp chủ đầu tư có vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng; thanh, kiểm tra giám sát cán bộ thực thi công vụ trong việc cấp Giấy chứng nhận.

Thứ ba là kiểm soát chặt chẽ việc giao đất, cho thuê đất để bảo đảm lựa chọn chủ đầu tư có năng lực thực hiện dự án; không cho thuê đất đối với chủ đầu tư đang có vi phạm.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra cán bộ thực thi trong việc cấp Giấy chứng nhận.

Về giải pháp, sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo cho người dân mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở trong thời gian tới, đối với việc cấp Giấy chứng nhận tại các dự án phát triển nhà ở cần rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng với các dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai nhưng có sai phạm về quy hoạch xây dựng, thiết kế được duyệt thì cần xử lý sai phạm theo quy định pháp luật chuyên ngành.

Đồng thời, xem xét đối với người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư thì cơ quan giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định của pháp luật đất đai.

Còn về phía địa phương, tại Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội đã thành lập các tổ công tác để rà soát lại toàn bộ quá trình cấp Giấy chứng nhận cho các dự án chung cư có sai phạm. Sau khi kiểm tra xong, Sở sẽ có đề xuất kiến nghị với Thành phố Hà Nội hướng xử lý để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Trong đó, với những chung cư có sai phạm như xây vượt tầng, tự ý chuyển đổi công năng các tầng nhà, Sở sẽ xem xét lại quá trình cấp Giấy đối với các căn hộ nằm trong diện này. Nếu chủ đầu tư chưa khắc phục sai phạm, Sở sẽ hướng dẫn chủ đầu tư liên hệ với các cơ quan chức năng để khắc phục sai phạm. Khi đủ điều kiện sẽ tiến hành cấp lại sổ cho họ. Đối với những căn hộ không nằm trong diện tích sai phạm nhưng thuộc những dự án chủ đầu tư có sai phạm về trật tự xây dựng, Sở cũng sẽ rà soát và cấp Giấy để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Cuối tháng 7/2020, Sở TN&MT cũng đã thành lập 2 tổ công tác liên ngành để rà soát việc cấp sổ tại các dự án sai phạm. Từ kết quả kiểm tra, Sở TN&MT sẽ đề xuất các biện pháp xử lý vi phạm đối với chủ đầu tư và cấp sổ đỏ mới cho người dân, báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định.

Còn tại TP.HCM, mới đây, UBND thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành rà soát, phân loại dự án để có phương án giải quyết. Cụ thể, UBND TP.HCM chia các dự án xây dựng nhà ở chung cư trên địa bàn thành phố thành 2 loại để làm cơ sở thu tiền sử dụng đất, cấp GCN.

Hy vọng, với những giải pháp và định hướng tích cực của ngành quản lý đất đai, các địa phương, trong thời gian tới, người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở sẽ sớm được cấp Giấy chứng nhận, tránh việc kiện tụng, gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Thúy Nhi