Bến Tre: Tập trung nhiều giải pháp phòng chống hạn, mặn
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 19:59, 23/12/2020
Việc đầu tư các cống, đập, đê bao bước đầu đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt |
Đầu tư công trình thủy lợi ngăn mặn
Ông Nguyễn Văn Điền - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, những năm qua, tỉnh Bến Tre đã được đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng thuộc dự án Hệ thống thủy lợi Bắc - Nam Bến Tre; công trình cống đập Ba Lai; hồ chứa nước Kênh Lấp, huyện Ba Tri; nhiều tuyến đê sông, đê bao cục bộ, đê bao các cồn… bước đầu đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, hệ thống công trình thủy lợi vẫn chưa được khép kín, do đó tỉnh chưa thể chủ động kiểm soát được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt. Điển hình như mùa khô năm 2019 - 2020 vừa qua, các địa phương trong tỉnh đều bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng, độ mặn 4‰ gần như bao phủ hết phạm vi toàn tỉnh Bến Tre.
Theo ông Nguyễn Văn Điền, để ứng phó với hạn mặn, tỉnh Bến Tre khẩn trương triển khai thực hiện các dự án thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt. Đến cuối năm 2020, dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 29 cống hở, 16 cống hộp; một số đoạn đê bao ven sông Tiền, ven sông Hàm Luông thuộc các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và TP Bến Tre.
Đến năm 2021, dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thành đưa vào sử dụng cống Kênh Cũ, TP Bến Tre và tuyến đê bao ven sông Hàm Luông từ cống Cái Mít đến cống Cầu Kinh thuộc huyện Giồng Trôm. Cùng với đó, dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 11 cống.
Giai đoạn 2022-2023, dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA3) sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng các cống Tân Phú, Bến Rớ, An Hóa (huyện Châu Thành), cống Bến Tre (TP Bến Tre), cống Thủ Cửu (huyện Giồng Trôm), cống Cái Quao và Vàm Thơm (huyện Mỏ Cày Nam) và cống Vàm Nước Trong (huyện Mỏ Cày Bắc)…
Ngoài ra, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các cống tại các cửa sông, rạch lớn cho khu vực Nam Bến Tre tại huyện Chợ Lách, huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Thạnh Phú, đảm bảo khép kín vòng ngăn mặn trữ ngọt, nhằm ổn định đời sống nhân dân, phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tỉnh Bến Tre đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp nước sạch, nước ngọt cho người dân |
Đảm bảo cung cấp nước sạch, nước ngọt cho dân
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, vấn đề cung cấp nước sạch, nước ngọt cho người dân phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, thường xuyên chỉ đạo kiểm tra và thực hiện nhiều giải pháp. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã yêu cầu các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đủ nguồn nước và không được cấp trước bị nhiễm mặn cho người dân.
Các đơn vị cấp nước đã và đang chủ động thực hiện các phương án giải pháp để đảm bảo cung cấp nước ngọt cho người dân trong mùa hạn, mặn như: nâng cấp công suất nhà máy nước; đấu nối, hòa mạng, cải tạo tuyến ống cấp nước; xây dựng phương án vận chuyển nước thô từ khu vực không bị nhiễm mặn; đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất nước RO;…
Ban hành kế hoạch ứng phó hạn mặn tỉnh Bến Tre đến năm 2025. Trong đó xác định cụ thể nhiệm vụ của từng năm để làm cơ sở cho các ngành, địa phương thực hiện, với mục tiêu là phấn đấu đến năm 2023 cơ bản sẽ kiểm soát được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành hành bảng giá nước RO để khuyến khích, cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích, điều kiện hoạt động của các nhà máy nước để phục vụ tốt nhất nhu cầu nước sạch của người dân mùa hạn, mặn.
Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, vận động người dân chủ động trữ nước mưa, nước ngọt ngay từ mùa mưa năm 2020 để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn.
Cũng theo ông Trần Ngọc Tam, UBND tỉnh Bến Tre đang tích cực phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang, Long An và Công ty Cổ phần Đầu tư ngành nước DNP, cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để sớm triển khai thực hiện dự án “Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống truyền tải”.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nước ngọt cung cấp khu vực huyện Giồng Trôm trong năm 2021 và một số nhà máy nước nông thôn khác, UBND tỉnh Bến Tre đã đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre tiếp nhận nước sạch từ Công ty Do Holdings, cho các đơn vị cung cấp thiết bị phối hợp với các nhà máy nước nghiên cứu giải pháp xử lý nước mặn để cung cấp cho các nhà máy nước khi độ mặn vượt mức cho phép.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cũng cho rằng, với quyết tâm cao nhất và sự nỗ lực hết mình trong việc cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình để ngăn mặn, trữ ngọt.
Trong đó, đặc biệt nhất là việc chỉ đạo quyết liệt các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre phải thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cấp nước ngọt cho người dân; đồng thời đẩy nhanh tiến xây dựng hệ thống đê bao ngăn mặn, trữ ngọt khép kín, đảm bảo tốt nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre: Dù mới cuối mùa mưa, nhưng độ mặn đang ở mức cao, xâm nhập sâu. Trên các sông chính như: Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên độ mặn tại các cửa sông (giáp biển) có lúc tăng đột biến từ 14 - 22‰; độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông từ 38 – 43km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách cửa sông lên đến 56km. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập nhập mặn hiện nay: Cấp 1.