Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:57, 23/12/2020

(TN&MT) - Đây là nội dung quan trọng vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nêu ra tại Hội thảo đề xuất về Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cho các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long”.

Thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp

Biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo... trong bối cảnh BÐKH đang là những vấn đề cấp bách đặt ra với ngành nông nghiệp.

BÐKH đang là vấn đề cấp bách đặt ra với ngành nông nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, có diện tích trồng lúa chiếm 47% diện tích và nuôi trồng thủy sản 70% diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước. Đây cũng là khu vực có sản lượng xuất khẩu gạo chiếm 90% và thủy sản chiếm 60% so sản lượng của cả nước.

Tuy vậy, trước tình hình biến đối khi hậu ngày càng diễn ra gay gắt, nhất là đối với các tỉnh vùng ven biển như: Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu... Chỉ tính trong năm 2019 - 2020, các tỉnh vùng ven biển này đã chịu thiệt hại rất nặng nề do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở.

Đây là khó khăn và thách thức lớn đối sự phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống người dân. Các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất cần những giải pháp mang tính khoa học cùng nguồn lực đầu tư để vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vừa phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã xác định rõ quan điểm phát triển nông nghiệp vùng trong thời gian tới là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng. Bên cạnh đó, quan điểm chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” cần được thể hiện xuyên suốt trong quy hoạch vùng đồng bằng phát triển bền vững.

Trong Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 120, Bộ NN&PTNT đã đề ra nhiệm vụ xây dựng phát triển nông nghiệp bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng BĐKH, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đánh giá sâu sắc về lợi thế, cơ hội, thách thức của vùng và tiểu vùng. Bộ đã rà soát điều chỉnh chiến lược, định hướng, nghiên cứu cung cầu thị trường trong nước và quốc tế để xác định hướng đi cho các ngành hàng chiến lược, theo hướng tăng diện tích nuôi trồng cây ăn quả và thủy sản, giảm diện tích lúa kém hiệu quả. Đồng thời, ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu các loại giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng BĐKH.

Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu

Tại Hội thảo, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý tưởng đề xuất thực hiện dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cho các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long”.

Thí nghiệm 30 bộ giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu tại Bạc Liêu

Dự án với mục tiêu chính là xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao thu nhập, phát triển sinh kế bền vững cho vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực thi dự án là rất cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện ngày càng gây ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại diện ADB cũng khẳng định, việc thực hiện dự án đang là việc thiết yếu và quan trọng. Bởi, các tỉnh ven biển đang bị ảnh hưởng thiên tai ngày càng nặng nề. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đảm bảo để bảo vệ trước biến đổi khí hậu; nền sản xuất nông nghiệp không thực sự bền vững, chuỗi giá trị mang lại chưa cao.

Khi các tỉnh ven biển được xây dựng hạ tầng thiết yếu bảo vệ trước biến đổi khí hậu sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các tỉnh thu hút đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản. Cùng với đó, năng lực và trình độ sản xuất của nông dân được nâng cao sẽ chuyển đổi sản xuất theo hướng công nghệ cao và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.

Theo nội dung của Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cho các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long” có 3 hợp phần chính, gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý dự án.

Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 248 triệu USD; trong này nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khoảng 198 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại 15 triệu USD. Dự án dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2027.

 

Xuân Hợp