Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:53, 23/12/2020
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, có diện tích trồng lúa chiếm 47% diện tích và nuôi trồng thủy sản 70% diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước. Đây cũng là khu vực có sản lượng xuất khẩu gạo chiếm 90% và thủy sản chiếm 60% so sản lượng của cả nước.
Quang cảnh Hội nghị |
Tuy nhiên, trước tình hình biến đối khi hậu ngày càng diễn ra gay gắt, nhất là đối với các tỉnh vùng ven biển như: Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu... Chỉ tính trong năm 2019 và 2020, các tỉnh vùng ven biển này đã chịu thiệt hại rất nặng nề do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở.
Đây là khó khăn và thách thức lớn đối sự phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống người dân. Các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất cần những giải pháp mang tính khoa học cùng nguồn lực đầu tư để vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vừa phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.
Vì vậy, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý tưởng đề xuất thực hiện dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cho các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long”.
Dự án với mục tiêu chính là xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao thu nhập, phát triển sinh kế bền vững cho vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, việc thực thi dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cho các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long” là đang rất cần thiết.
Tình hình biến đổi khí hậu hiện ngày càng gây ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Điển hình năm 2020, Bến Tre bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn đã làm thiệt hại về cây lúa, vườn cây ăn trái ước tổng giá trị hơn 2.800 tỷ đồng, đó là chưa kể toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đang là yêu cầu bách của Bến Tre và cả các tỉnh ven biển của khu vực. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, Bến Tre rất quan tâm về nâng cao năng lực, trình độ sản xuất của người dân để thích ứng với biến đổi khí hậu. Người dân cần có năng lực, trình độ thực hiện hiệu quả những phương pháp, mô hình sản xuất nông nghiệp mới, phù hợp để ứng phó với những tác động của biến đối khí hậu, hạn chế thiệt hại, nâng cao năng suất và chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi. Đây là một trong yếu tố cần thiết để người dân sống chung với biến đổi khí hậu, ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, hiệu quả.
Ông Kevin Rutter, chuyên gia tư vấn quốc tế ADB cũng cho rằng, việc thực hiện dự án đang là việc thiết yếu và quan trọng. Bởi, các tỉnh ven biển đang bị ảnh hưởng thiên tai ngày càng nặng nề. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đảm bảo để bảo vệ trước biến đổi khí hậu; nền sản xuất nông nghiệp không thực sự bền vững, chuỗi giá trị mang lại chưa cao.
Khi các tỉnh ven biển được xây dựng hạ tầng thiết yếu bảo vệ trước biến đổi khí hậu sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các tỉnh thu hút đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản. Cùng với đó, năng lực và trình độ sản xuất của nông dân được nâng cao sẽ chuyển đổi sản xuất theo hướng công nghệ cao và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Theo nội dung của Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cho các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long” có 3 hợp phần chính, gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý dự án.
Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 248 triệu USD; trong này nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khoảng 198 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại 15 triệu USD. Dự án dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2021- 2027