Hợp tác hành động quốc gia kiểm soát ô nhiễm nhựa

Môi trường - Ngày đăng : 15:55, 23/12/2020

(TN&MT) - Ô nhiễm nhựa nếu không được kiểm soát tốt sẽ đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật thủy sinh, động vật biển, làm ô nhiễm môi trường, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã khẳng định như trên tại Lễ khởi động Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) và Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội, sáng 23/12.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ khởi động Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa \

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường cấp bách trên phạm vi toàn cầu. Cùng với việc gia tăng tiêu thụ sản phẩm nhựa, lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng, nhất là từ việc sử dụng túi ni lông do loại túi này siêu mỏng, khó phân hủy và thường thải bỏ sau một lần sử dụng. Đặc biệt, khi Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, đô thị hóa với nhiều trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch và công nghiệp lớn phát triển với tốc độ ngày càng cao. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong giai đoạn 2010-2020, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng rất nhanh, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41 kg/năm/người vào năm 2015 và hiện khoảng 54 kg/năm/người. Mức tăng này cho thấy, nhu cầu sử dụng sản phẩm của ngành nhựa ở trong nước ngày một tăng lên. Hiện, cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp nhựa, trong đó, 450 doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa, túi ni lông.

Trước thực trạng trên, việc khởi động Chương trình Đối tác Hành động toàn cầu về Nhựa tại Việt Nam là việc làm rất cần thiết. Đây là một trong những nội dung hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Việt Nam là một trong 3 quốc gia tiên phong trên toàn cầu thực hiện Sáng kiến Chương trình Đối tác Hành động Toàn cầu về Nhựa. Đồng thời, đây cũng là sự khởi đầu để Việt Nam thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững; tạo nền tảng chính sách, hành động, giải pháp nhằm quản lý chất thải nhựa một cách hiệu quả nhất, giảm thiểu tối đa tác động của nhựa đến môi trường.

Để bảo vệ môi trường, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa. Lỗi thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa không phù hợp.

"Chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, đồng thời, để góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được hết các tính năng của sản phẩm nhựa, đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong rằng, Chương trình được khởi động sẽ tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác, đối tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác quốc tế song phương và đa phương nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm nhựa. Đồng thời, thúc đẩy mô hình sản xuất, tiêu dùng nhựa bền vững thông qua phát triển kinh tế tuần hoàn về nhựa. Qua đó, góp phần vào nỗ lực chung của toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.

Bà Kristin Hughes, Giám đốc Chương trình Đối tác Toàn cầu về Nhựa, Thành viên Ủy ban Điều hành, Diễn đàn Kinh tế Thế giới phát biểu trực tuyến

Khẳng định quan hệ hợp tác bền vững, bà Kristin Hughes, Giám đốc Chương trình Đối tác Toàn cầu về Nhựa, Thành viên Ủy ban Điều hành, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết: "Thông qua hợp tác này, chúng tôi rất vui mừng góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Việt Nam - một mối quan hệ dựa trên mong muốn chung nhằm triển khai các mô hình tuần hoàn bền vững hơn, mang lại lợi ích cho hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú của Việt Nam và bảo vệ sinh kế của người dân Việt Nam.

“Hôm nay, Việt Nam đã chính thức trở thành một trong những quốc gia sớm áp dụng mô hình đặc thù về hợp tác đa chủ thể nhằm thúc đẩy nhanh hoạt động về nhựa, cùng với Indonesia và Ghana. Tôi kỳ vọng những bài học và thành công từ chương trình đối tác sẽ cung cấp thông tin và xúc tác cho các sáng kiến đầy tham vọng tương tự tại các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, bà Kristin Hughes nhấn mạnh.

 

Khương Trung