Triển khai thực hiện Chương trình phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi

Xã hội - Ngày đăng : 14:25, 23/12/2020

(TN&MT) - Ngày 22/12, tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban về các vấn đề Xã hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và chỉ đạo hội thảo

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh...

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: chính sách dân tộc đã được thể hiện nhất quán trong các văn kiện của Đảng với nguyên tắc, định hướng chiến lược là “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển”, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; đồng thời thể hiện khá toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhằm nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc.

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 88 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, giao Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được Quốc hội thông qua với 100% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Điều này càng khẳng định rõ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cần chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan ở Trung ương trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thiết thực chăm lo cho đời sống của đồng bào. Cùng với đó, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi để các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới. Đồng thời, chú ý hơn đến các dân tộc còn rất ít người; chăm lo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ là người dân tộc thiểu số, chăm lo phát triển Đảng là người dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý việc cần có cơ cấu hợp lý đại biểu là người dân tộc thiểu số tham gia các cơ quan dân cử; quan tâm tuyển chọn những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng là người dân tộc thiểu số tại chỗ như một bước đào tạo nguồn cán bộ cho cơ sở, vùng cao, vùng biên giới; làm tốt công tác dân vận của chính quyền.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận: Một số vấn đề về an sinh xã hội cần quan tâm khi triển khai các chương trình, dự án tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội; khái quát tình hình xây dựng cũng như kế hoạch triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 của các bộ, ngành…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, việc xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triền kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 -2030” là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi của mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt cuối năm 2019.

Cụ thể mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; 100 % xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% số trường học, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiến cố; 99 % số dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được truyền hình; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào; tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS....

Để tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến kiến nghị với Quốc hội tiếp tục quan tâm, nâng cao hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện các chương trình chính sách có liên quan đến chính sách dân tộc; Phát huy vai trò giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội đối với các chính sách cho vùng DTTS và miến núi, nhất là đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tihcj Quốc hội Tòng Thị Phóng

Nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù đã đạt nhiều kết quả to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhưng vùng dân tộc thiểu số và miền núi phía Tây 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện toàn vùng vẫn còn 10 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, 194 xã và 1.069 thôn, bản diện đặc biệt khó khăn. Tình hình trên đặt ra nhiều thách thức với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.

Với các định hướng, giải pháp cơ bản của Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu đề nghị các địa phương cần tiếp tục phát huy sự chủ động, sáng tạo, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện. Phân định rõ các địa bàn theo mức độ thuận lợi và khó khăn; ưu tiên bố trí nguồn lực hợp lý để tập trung phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; xây dựng và phát triển các hình thức hợp tác xã kiểu mới phù hợp. Chú trọng đến các địa bàn vùng biên giới, rẻo cao, các dân tộc thiểu số ít người, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. 

Đối với Quốc hội, các đại biểu đề nghị cần xem xét tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung, dài hạn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững cho giai đoạn tới; bổ sung nguồn vốn giúp Ngân hàng Chính sách xã hội có điều kiện phát huy tốt hơn hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đối với Chính phủ, khi xây dựng Nghị quyết, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cho giai đoạn tới cần áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều; thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện; bảo đảm không có sự chồng lấn chính sách giữa các chương trình mục tiêu quốc gia...

Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Chính phủ đã bố trí cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025. Phát động cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau" đã được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực, là 1 trong 4 phong trào thi đua trọng tâm trong Phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung

 

Minh Tuấn