Bình Định: Cần bố trí, ổn định dân cư xen ghép vùng sạt lở xã An Quang
Xã hội - Ngày đăng : 08:16, 23/12/2020
Theo con đường từ xã An Hòa đi xã An Toàn, chúng tôi ghé thăm xã An Quang vào những ngày mưa cuối tháng 12. Đường dốc quanh co, khúc khuỷu, lúc lên lúc xuống, độ cao thấp không bằng phẳng, địa hình đồi núi và ruộng bậc thang chia cắt bởi nhiều sông, suối.
Từ thôn 4 sang thôn 5 xã An Quang, chúng tôi bắt gặp những mỏ hàm ếch, hầm hố do sạt lở đất ăn sâu vào mép đường |
Từ thôn 4 sang thôn 5 xã An Quang, chúng tôi bắt gặp những mỏ hàm ếch, hầm hố do sạt lở đất ăn sâu vào mép đường làm cho con đường vốn đã hẹp lại càng hẹp hơn. Người dân sinh sống ở thôn 5 nằm khá xa khu dân cư thôn 4, phải đi qua một con dốc lớn rồi xuống dốc mới có đường rẽ vào thôn 5.
Nơi người dân thôn 5 sinh sống nằm biệt lập trong một thung lủng được bao bọc bởi núi và mây mù, xung quanh chỉ có cây rừng cùng tiếng suối chảy róc rách, những ngày mưa lớn tiếng suối chảy càng mạnh mẽ hơn với nhịp sống nhẹ nhàng, trầm lắng và êm ả. Nhưng cũng chính nơi đây thường bị lũ quét, sạt lở đất vì địa hình đồi núi, dốc cao không bằng phẳng.
Nơi người dân thôn 5 sinh sống nằm biệt lập trong một thung lủng được bao bọc bởi núi và mây mù |
Xã An Quang là xã thuần nông với tổng diện tích tự nhiên là 5.522,11ha, có 382 hộ và 1.333 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người là 11,5 triệu đồng/người/năm. Riêng thôn 5 có khoảng hơn 50 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp và lâm nghiệp, hộ nghèo chiếm đa số và 100% là người đồng bào dân tộc Hrê.
Người dân thôn 5 xã An Quang sinh sống nhiều năm trong ngôi làng hẻo lánh |
Theo người dân kể lại thì họ đã ở nơi đây từ đời ông bà, cha mẹ, con cái, tạo lập gia đình riêng qua nhiều thế hệ đều lưu trú sinh sống đến nay. Nơi đây mặc dù địa hình phức tạp, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng họ chưa từng có ý nghĩ sẽ rời vùng đất này đi nơi khác sinh sống.
Bởi vậy, hàng năm vào những ngày mưa bão họ luôn phải đối mặt nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, đường xá sạt lở chia cắt khiến cuộc sống của họ trở nên khắc nghiệt. Nhưng có lẽ, họ đã quen với cuộc sống ấy, sống chung với nó và cùng nó đấu tranh sinh tồn vượt qua thiên tai.
Đường vào thôn 5 xã An Quang |
Khi chúng tôi đến đầu ngõ đi vào thôn 5, xã An Quang, nơi trung tâm vùng sạt lở tình cờ gặp chị Đinh Thị Thu và chị Đinh Thị Gió người dân tộc Hrê. Hai chị cho biết mình đã sinh sống ở đây rất lâu rồi, từ thời ông bà, cha mẹ bây giờ là thế hệ các chị.
Chị Đinh Thị Thu kể: Mình ở đây lâu rồi, cuộc sống người dân ở đây vất vả lắm, chúng tôi đi làm thuê mới có tiền lo cho gia đình. Người dân ở đây đều là hộ nghèo. Năm nào đến mùa mưa đều sạt lở, đất đá trên núi tràn xuống. Trước kia dân ở phía ngoài nhưng đất sạt lở nhiều nên đã di dời vào phía trên cao hơn làm nhà ở.
Chị Đinh Thị Gió vui vẻ chỉ đường cho chúng tôi vào làng tham quan để biết thêm cuộc sống của người dân ở đây sinh sống như thế nào. Con đường vào làng càng lên dốc cao hơn rồi lại xuống dốc. Ngôi làng nhỏ nằm lọt thỏm giữa thung lũng xanh ngát một màu, núi trùng núi, mưa bay lất phất, cảnh vật đìu hiu, tĩnh lặng khác xa với sự huyên náo của những khu dân cư phía ngoài ngôi làng.
Ngôi làng nhuộm một màu vàng đất, trơn trợt bóng loáng |
Mưa bay không ngừng, nước trên suối nguồn chảy xuống khu dân cư kèm theo đất, sỏi khiến mặt đường ngôi làng nhuộm một màu vàng đất, trơn trợt bóng loáng khiến cho bất kỳ ai lần đầu đến ngôi làng đều có cảm xúc khắc khoải, suy tư.
Trong thời tiết lạnh lẽo cùng sương mù, mưa bay phủ kín bầu trời, người dân không ra ngoài đường mà chỉ ở trong nhà đốt lò than hoặc củi sưởi ấm sẵn tiện nấu ấm nước hay luộc nồi khoai cùng nhau trò chuyện vui vẻ trong những ngôi nhà sàn bằng gỗ hoặc nhà xây gạch cũ kỹ.
Một hộ gia đình tập trung con cháu làm lễ cúng ông bà |
Đi xung quanh khắp làng, chúng tôi ghé vào một ngôi nhà có đông người cùng trò chuyện vui vẻ. Tiến đến lại gần mới biết họ đang nướng nguyên con heo đen để cúng ông bà trong gia đình theo tập tục địa phương.
Ông Đinh Văn Nhân là người sống lâu tại ngôi làng |
Người mà tôi hỏi thăm là ông Đinh Văn Nhân, ông là người lớn tuổi nhất trong nhà và cũng là người sống lâu tại ngôi làng. Ông Nhân chia sẻ: Tôi sống ở đây từ rất lâu rồi, cứ mỗi năm gần ngày cuối năm gia đình tổ chức lễ cúng ông bà. Người dân ở đây sinh sống làm nông, bóc vỏ keo, chăn nuôi heo, gà có đủ cả nhưng đường đi lại khó khăn, nằm biệt lập nên cũng chỉ tập trung mọi sinh hoạt trong làng, trong thôn là chính. Cũng có mấy hộ thoát nghèo nhờ trồng keo còn lại đều hộ nghèo vì cuộc sống vất vả mà.
|
Người dân nơi đây không chỉ đối mặt với nạn sạt lở đất, lũ quét vào mùa mưa lũ mà còn đối mặt với cái nghèo bao phủ quanh năm như lời ông Đinh Văn Te tâm sự: Nếu gia đình nào không có đất trồng keo thì đều đi làm thuê lột vỏ keo cho người ta để kiếm sống. Người dân ở đây có trồng lúa nhưng diện tích rất ít, mỗi năm thu hoạch chỉ có 4-5 bao lúa cho cả một năm thì lấy gì mà ăn, vụ nào được mùa thì 7-8 bao lúa ăn tạm trong năm. Dân ở đây sống rất cơ cực. Nhưng cực nhất vẫn là dời nhà khi bị sạt lở đất, họ không đi nơi khác chỉ di chuyển đồ đạc trong gia đình từ khu sạt lở qua khu an toàn cao hơn dựng lại nhà để ở chứ không bỏ làng, bỏ thôn đi sang thôn khác ở.
Vùng sạt lở tại thôn 5 xã An Quang |
Trước tình hình sạt lở đất, lũ quét tại thôn 5, xã An Quang, UBND huyện An Lão có tờ trình cùng phương án, ổn định dân cư xen ghép vùng sạt lở xã An Quang trình UBND tỉnh Bình Định. UBND tỉnh Bình Định cũng đã giao Sở Nông nghiệp –PTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện An Lão xem xét nội dung tờ trình, báo cáo đề xuất cho UBND tỉnh xem xét chỉ đạo thực hiện.
Người dân hy vọng phép màu cuộc sống mới đến với họ |