Bờ Biển Ngà có khu bảo tồn biển đầu tiên
Thế giới - Ngày đăng : 17:53, 22/12/2020
Người dân mua cá trên đầm phá Tagba ở thị trấn Grand Lahou, miền Nam Bờ Biển Ngà. Ảnh: Reuters |
Chính phủ Bờ Biển Ngà cho biết khu bảo tồn biển này trải dài hơn 2.590 km2 đến thị trấn Grand-Bereby và nhằm nỗ lực bảo tồn biển của Bờ Biển Ngà, đáp ứng mục tiêu của Liên Hợp Quốc.
Đây là khu bảo tồn biển đầu tiên trong số 5 khu bảo tồn biển mà Bờ Biển Ngà đã cam kết xây dựng trên vùng biển Đại Tây Dương của quốc gia này. Lớn hơn thủ đô thương mại Abidjan của Bờ Biển Ngà, khu bảo tồn biển là nơi sinh sống của các sinh vật đáy biển, các rạn san hô và cá nhiệt đới, đồng thời là nơi làm tổ và kiếm ăn quan trọng cho các loài rùa, trong đó, có cả rùa da dễ bị tổn thương.
“Khu vực này chắc chắn sẽ thúc đẩy du lịch địa phương, tạo việc làm và giúp cộng đồng được hưởng lợi”, Bộ Môi trường Bờ Biển Ngà tuyên bố.
Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Exeter, Anh đã giúp Bờ Biển Ngà chuẩn bị dự án khu bảo tồn biển bằng cách thu thập dữ liệu về các loài động vật, thực vật biển của khu vực và tình hình hiện tại của vùng biển này. Đồng thời, tiến hành khảo sát các rạn san hô không có tài liệu trước đây và gắn thiết bị theo dõi GPS cho rùa.
“Khu vực này bao gồm một khu bảo vệ hoàn toàn khép kín mọi hoạt động và một khu phát triển sinh thái nhằm hỗ trợ các hoạt động đánh bắt và du lịch sinh thái bền vững”, Đại học Exeter thông tin.
Liên Hợp Quốc đang khuyến khích các nước dành 30% diện tích đất và biển để xây dựng khu bảo tồn khi các quốc gia này tổ chức cuộc họp vào năm tới tại Trung Quốc để đàm phán về Hiệp ước động vật hoang dã toàn cầu mới. Các nhà khoa học cho biết thế giới có thể cần hơn 30% diện tích bảo tồn nếu không phát triển mạnh.
Theo một nghiên cứu năm 2016 của các nhà nghiên cứu Viện Phát triển Nước ngoài, Tây Phi là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hoạt động đánh bắt bất hợp pháp và không được kiểm soát, khiến một số loài có nguy cơ tuyệt chủng và gây nguy hiểm cho sinh kế của địa phương.