Xóa khát cho vùng hạn mặn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:53, 22/12/2020

(TN&MT) - Đầu tư phát triển hệ thống cấp nước ứng phó biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, bảo đảm nước sạch sinh hoạt, sản xuất của người dân là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tập trung nguồn lực “xóa khát”

Các tỉnh ÐBSCL hiện có khoảng 18 triệu dân, trong đó, có 13 triệu người sống ở khu vực nông thôn. Những năm qua, với sự đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ có hiệu quả của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân, đến nay, đã có 98% số người dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, 55% số người dân được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó, khoảng tám triệu người (chiếm 61%) được sử dụng nước từ 3.853 công trình cấp nước tập trung; năm triệu người sử dụng nước quy mô hộ gia đình.

Người dân xếp hàng lấy nước ngọt tại điểm do Bộ TN&MT cung cấp

Thực tế, ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu nước sinh hoạt năm 2019 - 2020 tại các tỉnh ÐBSCL. Xác định tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch nông thôn trong điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 22/1/2020 về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn phục vụ sản xuất, dân sinh năm 2019 - 2020; Quyết định số 504/QÐ-TTg ngày 10/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí, phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ÐBSCL.

Theo đó, hỗ trợ các tỉnh: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang mỗi tỉnh 70 tỷ đồng; hỗ trợ các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu mỗi tỉnh 60 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp cấp bách.

Triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và nguồn hỗ trợ từ Trùng ương, các địa phương trong vùng đã chở nước miễn phí, cấp nước cho khoảng 20.600 hộ dân; hỗ trợ 37.300 hộ dân lắp đặt bồn trữ nước; mở rộng kéo dài tuyến ống, khoan bổ sung giếng ngầm, đắp đập tạm cấp nước cho khoảng 22.300 hộ; lắp đặt thiết bị lọc nước để cung cấp nước cho khoảng 4.000 hộ. Mặt khác, các địa phương cũng chủ động cung cấp và hỗ trợ khoảng 15 nghìn bồn trữ nước cho người dân, ưu tiên gia đình chính sách, hộ nghèo, người có công với cách mạng.

Phát triển hệ thống cấp nước ứng phó với BĐKH

Bộ Xây dựng vừa phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tham vấn điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, 13 tỉnh, thành trong khu vực, các viện, trường, Hội nghề nghiệp và các chuyên gia trên lĩnh vực này.

Trạm cung cấp nước sạch tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ)

Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương ÐBSCL và một số tổ chức quốc tế nghiên cứu giải pháp cấp nước sinh hoạt cho vùng ÐBSCL, trong đó, có việc xem xét khả năng đầu tư xây dựng các hệ thống cấp nước sạch tập trung liên vùng.

Qua nghiên cứu cho thấy, hệ thống cấp nước sạch tập trung liên vùng có ưu điểm về mặt phương án kỹ thuật nhưng chi phí đầu tư xây dựng và mức giá nước sạch dự kiến sẽ rất lớn. Ở thời điểm hiện tại, việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hệ thống này là chưa khả thi về mặt tài chính và khả năng chi trả của người dân.

Tuy nhiên, công tác đầu tư phát triển hệ thống cấp nước ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, bảo đảm nước sạch sinh hoạt, sản xuất của người dân hiện đang là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

Do vậy, để các dự án cấp nước vùng có cơ sở triển khai một cách hiệu quả, khoa học và đồng bộ, việc kịp thời tổ chức điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2140/QĐ-TTg (Quy hoạch 2140) là rất cần thiết.

Theo đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), trong Quy hoạch 2140 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các nhà máy nước liên vùng tập trung ở 3 khu vực: Vùng 1 - Bắc sông Tiền dự kiến có Nhà máy nước Sông Tiền I tại khu vực Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) cấp nước cho các tỉnh Long An, Tiền Giang và một phần tỉnh Đồng Tháp, công suất đến năm 2025 là 100.000m3/ngày đêm và đến năm 2030 là 300.000m3/ngày đêm.

Vùng II - Giữa sông Tiền và sông Hậu có Nhà máy nước Sông Tiền II tại khu vực Vĩnh Long cấp nước cho các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và phần còn lại của tỉnh Đồng Tháp; công suất đến năm 2025 là 200.000m3/ngày đêm và đến năm 2030 là 300.000m3/ngày đêm.

Vùng III - Tây Nam sông Hậu gồm Nhà máy Sông Hậu I, Sông Hậu II và Sông Hậu III cấp cho các tỉnh còn lại của Đồng bằng sông Cửu Long; tổng công suất đến năm 2025 là 700.000m3/ngày đêm và đến năm 2030 là 1.050.000m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, thời gian qua, do gặp một số khó khăn, bất cập, nhất là diễn biến quá nhanh, phức tạp của tình trạng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn tại khu vực ÐBSCL khiến cho tại một số vị trí nhà máy theo quy hoạch trong mùa khô 2019 - 2020 vừa qua nguồn nước đã bị nhiễm mặn vượt tiêu chuẩn cho phép hoặc chớm nhiễm mặn cùng một số yếu tố khách quan khác nên cần phải điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp, giải quyết được các thách thức trên.  

Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đề xuất điều chỉnh các vùng cấp nước theo hướng: Gộp vùng I - Bắc sông Tiền và vùng II - Giữa sông Tiền và sông Hậu thành 1 vùng, gọi là Vùng I Đông Bắc sông Hậu. Tại đây chỉ xây dựng Nhà máy nước Sông Tiền công suất đến năm 2025 là 300.000m3/ngày đêm và đến năm 2030 là 600.000m3/ngày đêm, bằng tổng công suất Nhà máy nước Sông Tiền I và Sông Tiền II dự kiến xây dựng trước đây. Địa điểm đặt tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Sau khi điều chỉnh, khu vực ÐBSCL có 2 vùng cấp nước là: Vùng I có tên Vùng Đông Bắc sông Hậu bao gồm 6 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh; Vùng II là Vùng Tây Nam sông Hậu gồm 7 tỉnh, thành phố là: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Xuân Hợp