Phải thay đổi niềm tin lạc hậu về sừng tê giác!
Xã hội - Ngày đăng : 14:07, 22/12/2020
Nhu cầu về sừng tê giác, đặc biệt ở nhiều quốc gia Châu Á, đã và đang là chủ đề nóng được các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) trên thế giới quan tâm, điều đáng buồn Việt Nam là cái tên được nhắc đến khá nhiều trong chủ đề này. Theo một báo cáo của tổ chức Save the Rhino International. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có nhu cầu cao về tiêu thụ sừng tê giác. Thực trạng này đã dẫn tới việc hàng trăm cá thể tê giác bị giết hại mỗi năm để lấy sừng.
Nhu cầu về sừng tê giác đã và đang là chủ đề nóng được các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) trên thế giới quan tâm |
Giải thích về vấn nạn này, tổ chức Save the Rhino International cho rằng: sừng tê giác rất được giới nhà giàu Việt Nam ưa chuộng bởi nó được coi là biểu tượng của quyền lực và sự giàu có, nó còn mang lại may mắn, thành công trong kinh doanh và thể hiện được vị thế cao trong xã hội. Điều đặc biệt hơn cả đó là một bộ phận không nhỏ người Việt có niềm tin rằng sừng tê giác mang lại lợi ích về sức khỏe. Niềm tin này xuất phát từ y học cổ truyền và cả phi cổ truyền với nhận định sừng tê giác có khả năng giải độc cơ thể do vậy nó có khả năng chữa khỏi bất kỳ bệnh gì, từ cảm mạo thông thường, say rượu cho tới các bệnh nan y.
Khi cả thế giới đang sống trong kỷ nguyên số với những tiến bộ vượt bậc về khoa học, y học cũng đã bước lên những nấc thang mới với nhiều thành tựu lớn thậm chí quá sức tưởng tượng của con người, vậy nhưng vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào thành công trong việc phát minh ra loại thuốc có khả năng chữa bách bệnh. Vì vậy, một mảnh sừng có khả năng kỳ diệu này là điều phi lý. Niềm tin này bắt nguồn từ xa xưa khi y học chưa phát triển, các thầy thuốc đông y sử dụng sừng tê giác để giúp người bệnh hạ sốt bởi sừng tê giác có tính hàn, đặc biệt thích hợp cho người máu nóng. Nhưng ngay cả trong đông y hay y học cổ truyền, sừng tê giác chưa bao giờ là vị thuốc có khả năng chữa bệnh nan y.
Dựa trên kết quả nghiên cứu của các chuyên gia đại học Ohio, Mỹ sau khi thực hiện chụp cắt lớp và tiến hành các thí nghiệm chuyên sâu thì sừng tê giác có cấu trúc dạng ống liên kết với nhau. Cấu trúc này giống với cấu trúc của mỏ chim và móng ngựa. Bề mặt của sừng tê giác là một vỏ bọc keratin cứng. Kerain là chất liệu tạo nên móng tay và tóc của con người.
Kết cấu bên trong của sừng tê giác lại là một khối dày đặc được tạo thành từ canxi và melanin. Keratin là một dạng protein hình sợi, được tìm thấy trong tóc, móng tay của con người và vuốt của các loài động vật, móng ngựa. Canxi trong sừng tê giác bao gồm canxi cacbonat và canxi photphat. Trong đó, canxi cacbonat được dùng chủ yếu trong công nghiệp xây dựng, y tế, phụ gia thực phẩm, còn canxi photphat thường được sử dụng trong ngành công nghiệp sữa, hàng tiêu dùng, phố biến nhất trong sữa bò và kem đánh răng. Cuối cùng là melanin - sắc tố tự nhiên chịu trách nhiệm cho việc hình thành màu da và tóc, đồng thời cũng có chức năng bảo vệ da và mắt con người. Kết quả nghiên cứu với việc phân tích từng thành phần có trong sừng tê giác cho thấy một cách tổng quan nhất, sừng tê giác không phải là thuốc và hoàn toàn không có chứa chất nào có khả năng chữa bệnh.
Số lượng người mua sừng tê giác tại Việt Nam không ngừng tăng qua các năm |
Công trình nghiên cứu của đại học Ohio, Mỹ đã được công bố rộng rãi, tuy nhiên bất chấp thực tế và số liệu phân tích chi tiết từ việc ứng dụng công nghệ hiện đại, sừng tê giác vẫn được săn lùng và có một bộ phận không nhỏ sẵn sàng trả giá cao để sở hữu chúng.
Khảo sát do Tổ chức Mạng lưới giám sát thương mại động vật hoang dã (TRAFFIC) thực hiện còn cho biết số lượng người mua sừng tê giác tại Việt Nam nhiều nhất là các doanh nhân. Đặc biệt, khảo sát còn cho biết có chưa đến 10% số doanh nhân này tin vào tác dụng của sừng tê giác, hầu hết họ mua để làm quà biếu và sở hữu để thể hiện sự giàu có, địa vị.
Nhu cầu này là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hàng trăm con tê giác mỗi năm, đẩy loài vật này đến bờ vực những loài động vật nguy cấp cần bảo vệ. Một điều đáng tiếc rằng, công dụng chữa bệnh của sừng tê giác không chỉ đến từ những hợp chất cấu thành của sừng mà còn đền từ “niềm tin” tinh thần, đến từ suy nghĩ đã ăn sâu vào nhận thức “thứ hiếm là thứ quý”. Đặc biệt với những trường hợp có điều kiện kinh tế tốt, không may có bệnh thì tâm lý có bệnh vái tứ phương, bồi bổ triệt để càng được phát huy mạnh hơn.
Qua đây có thể thấy, để ngăn chặn nạn việc giết hại, tàn sát tê giác lấy sừng buộc phải giảm được nhu cầu sử dụng sừng tê giác. Các tổ chức quốc tế, các quỹ bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) đã triển khai nhiều chiến dịch tuyên truyền và vận động tích cực. Chính phủ Việt Nam cũng đã thể hiện sự quyết tâm với ban hành quy định với các khung hình phạt mới cho tội phạm buôn bán ĐVHD trong những năm trở lại đây.
Tuy nhiên, các chiến dịch và những biện pháp kể trên chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt khi mà số lượng tê giác bị giết hại vẫn ở mức báo động. Trong thời gian tới đây, để giải quyết triệt để vấn nạn này, chính phủ cần nâng cao khung hình phạt đối với tội phạm buôn bán trái phép các sản phẩm từ ĐVHD trong đó có sừng tê giác, bên cạnh đó cần xử phát nặng đối với cả những người mua/sử dụng sừng tê giác. Bởi chỉ khi nguồn cầu không còn thì nguồn cung mới bị triệt tiêu. Ngoài ra, những chiến dịch truyền thông về công dụng không có thật của sừng tê giác và nâng cao nhận thức về bảo vệ ĐVHD nói chung và tê giác nói riêng cũng cần được thực hiện rộng rãi hơn, đủ sức lan tỏa trong cộng đồng, không chỉ để thay đổi hành vi người sử dụng mà còn góp phần lan tỏa thông điệp không sử dụng sừng tê giác đến toàn xã hội, tạo áp lực ngược lại đối với những người sử dụng.