Tìm giải pháp thích ứng xâm nhập mặn ở ĐBSCL

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:16, 22/12/2020

(TN&MT) - Tìm giải pháp thích ứng với tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp và kéo dài ở Đồng bằng Sông Cửu Long, PGS.TS. Vũ Thị Mai (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cùng nhóm nghiên cứu đã tiến hành triển khai Đề tài “Mô hình phát triển kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long” (Mã số BĐKH.05/16-20).

Ba cấp độ phát triển nông nghiệp tích hợp

Nghiên cứu chỉ ra, để phát triển nông nghiệp tích hợp dựa vào cộng đồng có thể tiến hành ở 3 cấp độ. Cấp độ nền tảng là mô hình sinh kế tích hợp đã dạng cấp hộ gia đình. Ở đây, quy mô sản xuất ở các hộ nông dân nhỏ lẻ là đặc điểm lâu đời của ngành nông nghiệp Việt Nam và vẫn đang có xu hướng tiếp tục đang phát triển. Mô hình trọng tâm là Vùng nông nghiệp tích hợp ứng dụng CNC, lấy liên kết của nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) làm nòng cốt. Cuối cùng, mô hình Khu kinh tế nông nghiệp ứng dụng CNC là trọng điểm, nông dân trở thành công nhân trong các khu kinh tế.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài BĐKH.05/16-20 cũng đã xác định được mô hình phát triển kinh tế cấp hộ gia đình và cấp vùng. Đồng thời đã đưa ra mô hình thử nghiệm trồng lúa được triển khai thực hiện trong cả 2 vụ hè thu và thu đông năm 2018 tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Kết quả thử nghiệm đã đánh giá được tính hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp canh tác lúa tổng hợp so với phương thức canh tác theo truyền thống đồng thời có khả năng cải tạo chất lượng đất nhằm đảm bảo tính bền vững trong điều kiện đất nhiễm mặn tại địa phương.

Trên đất mặn trồng lúa vùng ĐBSCL, muốn cải tạo đất cần sử dụng phân bón thông minh, chậm tan; giảm từ 20 - 30% lượng phân hoá học NP trong đó sử dụng phụ phẩm đồng ruộng xử lý thành phân hữu cơ hoặc than sinh học, kết hợp với bón thêm chất cải tạo đất mặn (CaO), cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Đồng thời, tác động làm cải thiện độ phì nhiêu của đất, tăng hàm lượng OC trong đất, duy trì pH ổn định, tính đệm của đất được cải thiện, hàm lượng Ca2+ có xu hướng được cải thiện, bên cạnh đó một số yếu tố hạn chế trong đất mặn Na+, TSMT có dấu hiệu giảm trên đất mặn.

Những kỹ thuật này cũng làm nâng cao hiệu quả kinh tế đối với sản xuất lúa, giảm áp lực sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường trong canh tác, giảm phát thải khí nhà kính do phụ phẩm đồng ruộng thay vì đốt nay được sử dụng làm phân bón hữu cơ tái sử dụng trong canh tác lúa.

Huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre thường xuyên chịu tác động từ xâm nhập mặn. Ảnh: MH

Hỗ trợ quản lý ứng phó BĐKH

Đề tài đã đưa ra nhiều phương pháp tính toán cũng như dự báo tình hình xâm nhập mặn. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ các đơn vị như Cục Quản lý Tài nguyên nước, Cục Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu,… về mặt nghiệp vụ. Các giải pháp mà Đề tài đưa ra có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện Nghị Quyết số 120/NQ-CP của Chính Phủ về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần xây dựng cơ chế chính sách về nghiên cứu và hỗ trợ quy trình thực hiện nông nghiệp mặn/lợ tích hợp. Về cơ bản, hệ thống nông nghiệp nhiễm mặn tích hợp, có thể được chia thành bốn giai đoạn. Các nguồn nước bị nhiễm mặn có thể được sử dụng một cách hiệu quả, bao gồm nước ngầm mặn, nước biển, nước thải nông nghiệp và nước thải từ các nhà máy khử muối, nuôi thủy sản.

Giai đoạn đầu tiên của quy trình bắt đầu với nuôi trồng thủy sản như cá, tôm và tảo. Nước thải ra từ nuôi trồng thủy sản được sử dụng để sản xuất cây chịu mặn. Nước thoát từ hoạt động nuôi trồng loại chịu mặn có thể được thu thập và tái sử dụng trong chu trình nuôi trồng thủy sản (giai đoạn 3). Nước thoát giai đoạn này có độ mặn cao hơn nước được sử dụng trong giai đoạn 1 và 2. Do đó, các loài sinh vật biển và thủy sản chịu mặn như artemia được ưa thích trong giai đoạn này. Nước mặn thải ra từ giai đoạn 3 nên được xử lý đúng cách trong giai đoạn 4 để sử dụng có hiệu quả kinh tế, và quan trọng hơn là ngăn ngừa các thiệt hại về môi trường. Các hoạt động kinh tế trong giai đoạn 4 có thể bao gồm thu hoạch muối và khoáng sản hoặc sản xuất năng lượng bằng ao năng lượng mặt trời. Do vậy, cần có chính sách để tận dụng lợi ích từ tài nguyên mặn.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương hoàn thiện/phổ biến quy định và Luật Quản lý tài nguyên đất và nước. Đặc biệt, cần tính đến tình hình kinh tế - xã hội và môi trường văn hóa của mỗi địa phương, thay vì chỉ tuân theo một quy định cụ thể theo mô hình hoặc kế hoạch mẫu chi tiết. Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan xây dựng các chính sách phát triển xã hội và phát triển thị trường cần được triển khai đồng bộ cho vùng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

P.Lan