Tiếng nói các nhà khoa học
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 11:12, 22/12/2020
Hầu hết các nhà khoa học đều rất tâm huyết với những đề tài góp phần ứng phó BĐKH, quản lý hiệu quả tài nguyên môi trường và mong muốn sẽ được tiếp tục phát triển các kết quả nghiên cứu, hình thành các sản phẩm hoàn chỉnh để có thể ứng dụng rộng trãi trên cả nước, ở những khu vực, địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng và địa hình mang tính chất tương tự hoặc phức tạp khác nhau.
|
TS. Đỗ Quý Mạnh - Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ NN&PTNT, chủ trì đề tài:
“Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”, mã số BĐKH.19/16-20:
Trong quá trình thực hiện đề tài, một số kết quả bước đầu chúng tôi đã đánh giá được hiện trạng rừng ngập mặn và đất ngập mặn khu vực Nam Trung Bộ (gồm có trên 835 ha). Trong đó, chúng tôi tập trung nghiên cứu để phân chia ra các dạng lập địa. Với các dạng lập địa đặc biệt khó khăn chúng tôi sử dụng một số giải pháp bước đầu, kết quả đã thực hiện 2 mô hình tại Quảng Nam và Ninh Thuận.
Quy mô mô hình 3 ha chúng tôi sử dụng giải pháp tường mềm giảm sóng, giảm dòng chảy ven bờ và để gây bồi, tạo bãi để thuận lợi cho cây ngập mặn phát triển. Và trong 2 mô hình đó chúng tôi sử dụng 2 loại cây ngập mặn là cây mắm biển và cây đước đôi. Đây là 1 trong những thành quả của đề tài trong phương pháp chọn tạo, nhân giống.
Kết quả về thử nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống đước đôi và mắm biển bước đầu đã đạt được thành công nhất định và là cơ sở, nền móng cho nghiên cứu về công nghệ nhân giống cây ngập mặn tại Việt Nam. Là cơ sở khoa học, bài học thực tiễn về trồng rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu tại các khu vực có điều kiện tương tự; mang lại lợi ích cho ngành nông - lâm - ngư nghiệp, môi trường, du lịch, giúp cho con người thích ứng với các diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn.
Qua một số giải pháp đó, chúng tôi cũng có một số kiến nghị: tiếp tục nhân rộng công nghệ tường mềm giảm sóng, phục hồi và phát triển cây rừng ngập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ. Trong đó, cần nhân rộng kết quả 2 mô hình đối với khu vực có điều kiện tương tự.
Mặt khác, qua việc phát hiện ra loài cóc đỏ là loài thuộc nguy cấp quý hiếm thì cũng có giải pháp để nhân giống, phát triển loài cây bản địa ở Việt Nam mà có giá trị về mặt bảo tồn nguồn gen.
|
TS. Nguyễn Phi Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học đo đạc và bản đồ (Bộ TN&MT), Chủ nhiệm đề tài:
“Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng mô hình quản lý biến động tài nguyên, hoàn thiện công cụ quản lý và nâng cao năng lực giám sát biến động tài nguyên đất”, mã số BĐKH.10/16-20.
Kết quả của đề tài đã cung cấp hai sản phẩm chính là phần mềm MoLaR và WebGIS có thể hỗ trợ sẽ làm tăng hiệu quả công việc, đảm bảo cho cơ quan quản lý đất đai ở địa phương thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.
Đề tài đã đề xuất được mô hình giám sát biến động tài nguyên đất với mục tiêu là cung cấp bộ dữ liệu về biến động các thành phần tài nguyên đất. Các mô hình hiện nay chúng ta đang ứng dụng cũng chỉ đặt ra những vấn đề rất nhỏ. Tuy nhiên, chưa có những mô hình lớn, mô hình tổng quát để giám sát được quá trình biến động này, từ sự biến động về số lượng, chất lượng, không gian. Hiện nay, các công nghệ hiện đại ở Việt Nam cho phép chúng ta có thể xử lý vấn đề bằng ảnh viễn thám và các thiết bị phụ trợ khác.
Mô hình giám sát có thể hỗ trợ cho công tác đánh giá đất đai như: thành lập bản đồ hiện trạng, thống kê hiện trạng, lập bản đồ biến động, thống kê xu hướng biến động các thuộc tính của tài nguyên đất trong điều tra, đánh giá thoái hóa đất, điều tra, đánh giá chất lượng đất, môi trường đất cấp tỉnh.
Tích hợp được các công nghệ viễn thám và GIS trong thu nhận dữ liệu, phân tích dữ liệu và cung cấp các sản phẩm bản đồ chuyên đề, số liệu thống kê theo các chỉ tiêu về tài nguyên đất, phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung và công tác quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất, công tác thống kê đất đai nói riêng.
Hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra sử dụng đất theo chức năng nhiệm vụ; hỗ trợ công tác đánh giá chất lượng đất, ô nhiễm đất; hỗ trợ công tác đánh giá thoái hóa đất; cung cấp thông tin, dữ liệu cho công tác lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; hỗ trợ hoạt động giám sát quản lý, sử dụng đất của người dân và cộng đồng; hỗ trợ cải thiện chỉ số PAPI cấp tỉnh.
Chúng tôi cũng kiến nghị, với mô hình nghiên cứu biến động tài nguyên đất đã được triển khai từ 2016 - 2019 mà kết quả phần mềm giám sát đã xây dựng được mô hình biến động tài nguyên đất có thể áp dụng trên 63 tỉnh thành trên đất nước Việt Nam rất cần được tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp và sản xuất phiên bản mobile để có thể dễ dàng truy cập và cung cấp tin báo.
|
PGS.TS. Mai Văn Trịnh - Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT, chủ trì đề tài:
“Nghiên cứu xây dựng hệ số phát thải khí nhà kính quốc gia cho lúa và các loại cây trồng cạn chủ yếu phục vụ kiểm kê khí nhà kính và xây dựng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp”, mã số BĐKH.21/16-20.
Khi chúng tôi xây dựng các hệ số này lên thì nó sẽ đại diện cho tất cả các vùng, đại diện cho tất cả các loại đất. Dựa vào tỷ lệ diện tích của từng loại đất đó chúng tôi xây dựng hệ số phát thải cho vùng đó, từ đó, chúng tôi xây dựng hệ số phát thải quốc gia.
Đây là kết quả bước đầu, chúng tôi còn rất nhiều việc cần phải nghiên cứu tiếp đó là nghiên cứu hệ số phát thải cho các công nghệ giảm phát thải, nó sẽ phục vụ cho việc xây dựng Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính cho quốc gia và đặc biệt theo Thỏa thuận Paris, sau khi các hội nghị COP21, COP22 diễn ra thì quốc gia phải cam kết với quốc tế là sẽ giảm bao nhiêu % khí nhà kính. Lúc đó, ngành Nông nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ là giảm bao nhiêu% khí phát thải, chúng tôi sẽ có cơ sở để tính toán và đưa ra các giải pháp giảm pháp thải theo kế hoạch của Chính phủ đưa ra.