Tìm kiếm sáng kiến của giới trẻ vì một đại dương không rác thải nhựa
Tin tức - Ngày đăng : 11:11, 22/12/2020
PV: Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa được tổ chức với mục đích, ý nghĩa như thế nào, thưa bà?
Bà Trần Lan Hương:
Trên thế giới, 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm. Hơn một nửa lượng rác thải nhựa từ đất liền bắt nguồn từ năm quốc gia ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. Nếu không có những hành động cụ thể ngay bây giờ, theo dự báo đến năm 2050, biển của Việt Nam có thể sẽ chứa nhiều rác thải nhựa hơn cả cá.
Với mong muốn thúc đẩy vai trò của thanh niên trong kiến tạo những thay đổi quan trọng cho tương lai phát triển bền vững của Việt Nam, trong khuôn khổ Sáng kiến Thanh niên đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh, UNESCO phối hợp với Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An phát động Chương trình Tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một Đại dương không nhựa, nhằm tìm kiếm các giải pháp sáng tạo của thanh niên cho các vấn đề giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái chế và xử lý, quản lý rác thải nhựa.
Bà Trần Lan Hương, Trưởng Ban Khoa học Tự nhiên, UNESCO tại Việt Nam |
Đây là một Chương trình dành cho thanh niên và các nhà khoa học trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 30 trên toàn quốc. Những bạn trẻ tham gia Chương trình đã được UNESCO tạo cơ hội xây dựng ý tưởng, tranh tài, được đào tạo định hướng bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, tham quan thực tế địa bàn triển khai ý tưởng.
PV: Cuộc thi đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng như thế nào về phía các bạn trẻ, thưa bà?
Bà Trần Lan Hương:
Chương trình Tìm kiếm Ý tưởng Sáng tạo vì một Đại dương không nhựa được UNESCO phát động từ tháng 7/2020 trên cơ sở phối hợp với Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An cùng với sự hỗ trợ của Quỹ Coca – Cola Foundation. Sau 2 tháng phát động, chúng tôi đã nhận được tất cả 25 hồ sơ ý tưởng từ gần 100 thanh niên và các nhà khoa học trẻ đến từ 10 tỉnh/thành phố trên cả nước. Đáng chú ý, gần một nửa số bạn trẻ đăng ký tham gia chương trình là nữ. Bất ngờ hơn nữa, các bạn trẻ tham gia dự thi cũng không chỉ đang học/làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường mà còn đến từ các khối ngành khác như nông nghiệp, luật, kinh tế, ngoại ngữ, y dược… Điều này đã chứng tỏ sức hút của Chương trình cũng như sự quan tâm của các bạn trẻ trong việc tìm ra các giải pháp sáng tạo giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam.
PV: Các ý tưởng đạt giải được lựa chọn trên các tiêu chí nào? Bà đánh giá như thế nào về chất lượng các ý tưởng đạt giải, có đáp ứng được kỳ vọng như ban đầu đề ra hay không?
Bà Trần Lan Hương:
UNESCO đã làm việc với một Hội đồng giám khảo gồm các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ và tài nguyên môi trường để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, bao gồm một số tiêu chí chính như tính sáng tạo, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, tính khả thi, hiệu quả về chi phí và môi trường, có thể duy trì tính bền vững và nhân rộng ra các địa phương khác. Đặc biệt, Chương trình cũng khuyến khích sự tham gia của thanh niên và các nhà khoa học trẻ là nữ nên đây cũng là một tiêu chí ưu tiên khi đánh giá các nhóm dự thi.
Học sinh, sinh viên và chiến sĩ tham gia phát động chương trình "Chung tay bảo vệ môi trường biển". |
Các hồ sơ ý tưởng tham gia Chương trình đều được các bạn trẻ đầu tư kỹ lưỡng nên có chất lượng rất tốt. Chúng tôi đã rất khó khăn khi lựa chọn 6 ý tưởng vào Vòng chung kết và càng khó khăn hơn khi phải chọn ra 3 ý tưởng đạt giải nhất. Các ý tưởng đều được Hội đồng giám khảo đánh giá cao và đạt được kỳ vọng ban đầu của chúng tôi.
PV: Những ý tưởng này có ứng dụng như thế nào trong thực tiễn. UNESCO sẽ hỗ trợ như thế nào để các sản phẩm ý tưởng từ cuộc thi này được nhân rộng?
Bà Trần Lan Hương:
3 ý tưởng xuất sắc nhất đã được trao cho 3 nhóm là Green River với sáng kiến Máy thu gom rác tự động trên mặt nước, nhóm Storm với Robot Biya có khả năng giao tiếp và nhắc nhở mọi người bảo vệ môi trường và phân loại rác và nhóm Làng chài bình yên sử dụng nguyên liệu tái chế ở địa phương như lưới đánh cá cũ để làm bẫy rác - dựa vào tri thức bản địa xác định các yếu tố sóng, gió và dòng hải lưu để gom rác trôi nổi trên biển.
Với những ý tưởng này, UNESCO sẽ hỗ trợ triển khai thực tế tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An và dự kiến các sản phẩm này sẽ ra mắt trước tháng 3/2021. Chúng tôi sẽ thử nghiệm các sản phẩm này trong năm 2021, sau đó sẽ đánh giá và hỗ trợ nhân rộng các các ý tưởng này tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới khác của Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!