Bộ đội Hải quân dốc lòng, dốc sức vì dân
Xã hội - Ngày đăng : 08:18, 22/12/2020
Đảo Trường Sa lớn - thủ phủ của quần đảo Trường Sa nhìn từ biển |
Đêm trắng cứu tàu đón ngư dân
Ngày 21-12, tất cả 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân thuộc Quần đảo Trường Sa có sóng to gió lớn bởi cơn áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 14. Điều đó cũng đồng nghĩa với cán bộ chiến sĩ Trường Sa đang “gồng” mình đối mặt với sự khốc liệt của bão tố và sẵn sàng giúp đỡ bà con ngư dân vào âu tàu trú tránh bão trong trong bất luận tình huống nào.
Theo báo cáo, 10 giờ sáng ngày 21-12, tại hai làng chài Tốc Tan, Núi Le và Âu tàu đảo Sinh Tồn đã tiếp nhận hơn 120 tàu cá và hơn 700 bà con ngư dân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Định vào tránh, trú bão số 14.
Tại đảo Song Tử Tây, Trung tá Nguyễn Đức Độ, Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch xã đảo Song Tử Tây cho biết, đêm 20-12, cán bộ chiến sĩ đảo Song Tử Tây hầu như thức trắng để trực canh quan sát, chằng chống các công trình quân sự, kho tàng, nhà ở. Một tổ cơ đông nhanh túc trực 24/24 tại âu tàu của đảo để đón tiếp tàu cá và bà con ngư dân vào trú tránh. “Cơ bão có cường độ đi nhanh ảnh hưởng đến sinh mạng, phương tiện tàu thuyền tài sản của ngư dân. Cứu giúp ngư dân lúc này là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất. Chúng tôi tổ chức túc trực 24/24 giờ, trong bất luận tình huống nào, tàu thuyền, thân thể của bà con ngư dân phải được cứu giúp trú tránh bão chu đáo”, ông Trung tá Độ thông tin.
Cùng thời điểm này, âu tàu đảo Đá Tây (điểm A,B,C) cũng tăng cường lực lượng túc trực đón tàu thuyền của bà con ngư dân vào tránh bão.
Vững chắc tay súng bên cột mốc chủ quyền |
Ông Mai Khả Dục, thợ sửa chữa tàu ở Trung tâm Hậu cần nghề cá Đá Tây cho biết, chiều 20-12, âu tàu đảo Đá Tây đón 12 tàu cá cùng gần 200 bà con ngư dân vào tránh bão. Ông đã sửa chữa cho 2 tàu câu mực bị hỏng máy và vỡ trục liên hợp. “Tôi thức cả đêm để sữa chữa lốc máy cho bà con. Mỗi lần có bão tố, hầu như tôi không ngủ được. Phần vì sóng to gió lớn ầm ầm “quật” suốt ngày đêm, phần vì thức để sửa, kịp thời cho bà con sau bão tan là đi đánh bắt được ngay”.
Ông Dục kể, trong hàng trăm lần cứu tàu gặp nạn ở vùng đảo Đá Lát, Đá Tây, có một lần ông không bao giờ quên được. Đó là đêm 22-12-2013. Lúc đó đã gần 10 giờ đêm, tổ sửa máy của ông đang vui văn nghệ mừng 69 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam thì bất chợt nhận được tín hiệu cấp cứu liên tục từ phía Bắc đảo Đá Lát. Dẫu nhiều lần phi xuồng cứu dân giữa đêm đen, nhưng lần này linh tính mách bảo “phải khẩn cấp kẻo không còn kịp nữa”. Vớ chiếc áo phao, cuộn dây và bộ đồ lặn, anh cùng nhóm thợ chạy đẩy xuồng ra khỏi mép đảo, nổ máy lao về phía tàu cấp cứu. Giữa biển đêm, chiếc xuồng chuyên dụng cứu hộ chồm lên ngụp xuống trong ngược sóng cấp 6. Chạy được gần một hải lý, bỗng nhiên tiếng “ùng ục” một lát rồi “khục khục” phát ra từ máy xuồng, kèm theo mùi khét lẹt. Chưa biết chuyện gì xảy ra, thì xuồng chết máy.
Tình huống quá khó khăn, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không khắc phục được máy, trong khi đó mưa xối xả, nước tràn vào xuồng lúc một nhiều. Không còn cách nào khác, bằng kinh nghiệm của mình, ông Dục nhảy xuống biển, ngụp đầu trong sóng, hai tay sờ vào chân vịt. Đúng như dự đoán, chân vịt bị một vạt lưới quấn bó chặt không quay được. Một đồng đội trên xuồng tát nước, một đồng đội rọi đèn pin, ông Dục dùng dao cắt, gỡ toàn bộ vạt lưới ra khỏi chân vịt. Ông leo lên xuồng nổ máy và lao đến tàu gặp nạn. Khi xuồng của ông áp sát mạn tàu cá, cũng là lúc ngư dân trên tàu hoảng loạn. Có ai đó gọi to “hãy cứu chúng tôi với”. Một người đến đưa tay cho ông bám để kéo lên tàu. Chủ tàu Nguyễn Đình Bé quê Quảng Ngãi nói “Tàu bị chẹt lốc máy, nước tràn vào khoang giữa có nguy cơ chìm. Chúng tui đã hết sức nhưng không khắc phục được. “Không do dự, miệng ngậm đèn pin, tôi lao luôn xuống hầm máy sửa chữa. Sau gần 6 giờ hì hục, tiếng máy tàu giòn giã vang lên trong sự vỡ òa niềm vui rơi nước mắt của mọi người. Cả đêm ấy tôi và đồng đội không hề chợp mắt, niềm vui cứu tàu giúp dân cứ xao xuyến trong lòng”- ông Dục hồi tưởng lại.
Tuần tra Trường Sa |
Sẵn sàng chiến đấu
Những ngày cuối cùng của năm 2020, vùng biển Trường Sa có sóng to gió lớn do bão số 14 “quét” qua. Điều đó cũng đồng nghĩa “cường độ làm việc” của cán bộ chiến sĩ nhiều hơn, gian khổ hơn.
Là “lá chắn thép” bảo vệ vùng biển Gạc Ma, Cô Lin trong cụm đảo Sinh Tồn, những ngày này biển Gạc Ma sóng lớn dữ dội. Những con sóng có lúc tưởng chừng “nuốt chửng” cầu cảng nhỏ. Sóng đánh vào mép đảo bọt tung trắng xóa cả một góc nhà. Mặc cho sóng to gió lớn, cán bộ chiến sĩ đảo Cô Lin vẫn vững vàng tay súng canh trời giữ biển.
Những phút giải lao sau giờ huấn luyện của chiến sĩ đảo Đá Tây A |
Đại úy Phạm Văn Thao - Chỉ huy Trưởng đảo Cô Lin cho biết, ngoài tăng cường quan sát mặt biển sẵn sàng cứu giúp tàu thuyền của bà con ngư dân vào trú tránh bão, đảo trì trực SSCĐ 24/24. Liên hệ chặt chẽ với tàu trực để “mời” những con tàu “không mời mà đến” ra khỏi vùng biển, đảo được quản lý. “Càng những ngày cuối năm, tàu thuyền nước ngoài càng hoạt động nhiều. Để không bị bất ngờ, chúng tôi nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện sớm mục tiêu và xử lý đúng đối sách trên biển theo tinh thần “8K”. Làm nhiệm vụ ở nơi tuyến đầu Tổ quốc, ngoài cống hiến tuổi xuân của mình cho bình yên biển đảo, cán bộ chiến sĩ chúng tôi cũng sẵn sàng hi sinh. Hi sinh vì Trường Sa, vì Tổ quốc thì đó là sự hi sinh kiêu hãnh của người lính thời bình”, Đại úy Thao, chia sẻ.
Sẵn sàng chiến đấu |
Cho Trường Sa xanh mãi
Sau 45 năm kể từ ngày giải phóng, Quần đảo Trường Sa đã khoác lên mình “diện mạo” mới của một thị tứ sầm uất giữa ngàn khơi. Cái mới của Trường Sa hôm nay không chỉ là cơ sở hạ tầng, đường nhựa phẳng lỳ và những ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới khang trang, cơ sở vật chất hiện đại; mà còn là ý chí, nghị lực và quyết tâm bảo vệ Trường Sa bằng sức mạnh của bộ đội và của toàn dân tộc.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ hậu cần – kỹ thuật đảo Sinh Tồn hỗ trợ ngư dân gia cố dây buộc tàu, ảnh Nguyễn Ninh |
Không thể nói hết những ngày đầu khó khăn gian khổ khi những người lính Trường Sa phải gồng mình sờn vai vác đá xây đảo với tinh thần “kê cao nền Tổ quốc giữa đại dương bao la”. Không thể kể hết sự hi sinh quên mình của 64 cán bộ chiến sĩ ở đảo đá Gạc Ma trong sự kiện “CQ-1988”. Và cũng không thể nói hết được những nhọc nhằn gian khó của lớp lớp bộ đội Trường Sa đang ngày đêm thầm lặng cống hiến tuổi xanh của mình cho Tổ quốc. Chỉ biết, trong tim họ là Tổ quốc, trên vai họ là đất nước, sau lưng họ là quê hương gia đình vợ con chòm xóm.
Có những người lính ra đi tuổi chớm 20 và mãi mãi không về. Có những sĩ quan nằm lại ngàn khơi khi tuổi đời 18. Hàng trăm binh nhất, binh nhì, hàng chục đại uý, trung uý, thiếu tá, trung tá gửi lại Trường Sa dòng máu của họ. Tất cả sự hi sinh ấy, được Tổ quốc ghi danh, đất nước trân trọng, người Việt biết ơn, thế hệ trẻ Việt Nam ngẩng cao đầu tự hào kiêu hãnh. Tất cả sự hi sinh ấy cho Trường Sa trường tồn và xanh mãi phía ngàn khơi.