Hà Nội: Cây xanh bị chết khô trên nhiều tuyến phố

Xã hội - Ngày đăng : 22:28, 21/12/2020

(TN&MT) - Theo khảo sát thực tế thời gian gần đây của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường cho thấy, dọc các tuyến phố như Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Hai Bà Trưng,... có nhiều cây xanh bị "chết mòn" mà chưa được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Cây "chết mòn" trên nhiều tuyến phố 

Trên tuyến đường Phạm Hùng có một đoạn hàng cây trồng trên vỉa hè đang bị những cây tơ hồng quấn quanh, đang dần mất đi sự sống. Đó là chưa kể phần gốc rễ cỏ dại mọc lên um tùm, có cây cành gãy treo lơ lửng, có nơi cây chết, đất trống là chỗ đổ rác thải, phế liệu; có nơi lại tận dụng để treo biển quảng cáo, cắt tóc,...

Hàng cây xanh bỗng biến thành hàng cây khô   

Theo một số người dân, tình trạng trên xuất hiện từ lâu nhưng không thấy cơ quan chức năng nào quan tâm, xử lý.

 

Cây bị chặt ngang thân, người dân tận dụng làm chỗ treo biển quảng cáo 

Khảo sát tại một số tuyến phố Phạm Hùng, Mỹ Đình, Khu vực Bắc Từ Liêm, Hoàng Quốc Việt,... phóng viên còn thấy tình trạng tận dụng cây cối ven đường để đóng đinh treo biển quảng cáo, kinh doanh, làm chỗ tập kết phế liệu, rác thải,... 

Tình trạng cây chết cũng xảy ra trên một số tuyến đường trung tâm như Nguyễn Chí Thanh, Hai Bà Trưng,...

Cây cổ thụ có biểu hiện sắp gãy đổ do nghiêng thân và lệch tán 

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, trong kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, TP. Hà Nội yêu cầu các cơ quan có trách nhiêm liên quan, liên tục triển khai công tác kiểm tra, xử lý cắt tỉa hạ độ cao, chặt hạ, thay thế các cây nguy hiểm; giao Công ty Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện cắt tỉa cây tại địa bàn 12 quận trung tâm và các trục đường lớn cửa ngõ TP. Hà Nội gồm 184 tuyến phố, hai vườn hoa; địa bàn 18 huyện, thị xã. 

Song, thực tế cho thấy: Cây xanh ven đường không chỗ này thì chỗ khác vẫn ở trong tình trạng “cây còn, cây mất”, thường xuyên xảy ra hiện tượng khô cằn và chết yểu. Và câu hỏi được đặt ra ở đây là : Liệu công tác quản lý chăm sóc cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội có hiệu quả hay không? 

 

Cây mới trồng trên đường Hai Bà Trưng 

Công ty cây xanh nói đã thực hiện đúng trách nhiệm 

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, Công ty được giao quản lý các cây xanh, bóng mát tại những tuyến phố trên địa bàn 12 quận trung tâm trong Thành phố Hà Nội theo Quyết định 1640/QĐ- UBND TP Hà Nội ngày 09/03/2017 đối với các quận như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng,... và các tuyến đường xuyên tâm gồm đường Võ Nguyên Giáp, Đại lộ Thăng Long,...

Cùng với đó, Công ty vẫn thực hiện đúng với chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội cũng như Sở Xây dựng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị vì vậy lãnh đạo Công ty thường bố trí lực lượng kiểm tra và thay mới nếu phát hiện những cây có dấu hiệu đã chết. 

Khi phỏng viên phản ánh về tình trạng cây chết trên một số tyến đường, đại diện Công ty Công viên cây xanh cho hay: Phía công ty thường xuyên bố trí lực lượng tuần đường để kiểm tra và xử lý kịp thời những cây chết khô, cành gãy rụng gây nguy hiểm theo nhiệm vụ hàng tháng kiểm tra các cây xanh từ 1 - 2 lần. 

Đối với hiện tượng những cây tơ hồng mọc tràn lan từ cây này sang cây khác, Công ty cũng thường xuyên cử người đi kiểm tra, gỡ bỏ, tuy nhiên những cây tơ hồng thường có đặc tính phát triển rất nhanh và bám dính rất mạnh, kể cả sau khi gỡ bỏ xong thì sau một thời gian, cây lại leo lên liên tiếp. Để xử lý tình trạng này, không còn cách nào khác ngoài đội quản lý tuần đường sẽ phải kiểm tra các cây xanh ven đường đều đặn và liên tục hơn. 

Sau phản ánh của người dân và báo chí, công ty đã bố trí lực lượng và đội quản lý tuần đường đến kiểm tra gỡ bỏ, chặt hạ những cây đã chết trên tuyến đường Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, cùng các tuyến phố thuộc diện quản lý của Công ty và nếu phát hiện cây có dấu hiệu chết, sâu mục,.. sẽ cho thay thế ngay. 

Những trường hợp nào cây chết và gây nguy hiểm, người dân thông báo qua đường dây nóng (số máy hotline) hoặc qua email tiếp nhận thông tin phản ánh, thì công ty sẽ lập tức cử người đến kiểm tra, xử lý và thay thế cây chết bằng cây mới hoặc có phương án chăm sóc kịp thời những cây có dấu hiệu non, yếu,... 

Chuyên gia nói gì?

Trao đổi với phóng viên, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết, nguyên nhân khiến các cây xanh ven các tuyến đường lớn bị xâm hại, không phát huy được tính hiệu quả lâu dài chủ yếu là vì môi trường sống, cách chăm sóc cây và nguồn nước cung cấp cho cây chưa phù hợp. 

Đối với những cây non mới trồng nhưng bị chết yểu cũng là vì lý do này. Đặc biệt các cây sấu trên đường Phạm Hùng có dấu hiệu dễ chết là do đặc tính của cây này không chịu được nước trong khi mực nước ngầm tưới rất cao, gây ra hiện tượng bị úng, nên những chỗ đoạn đường đó không nên trồng những cây sấu mà thay vào đó là những cây phượng. Cây sấu nên trồng ở những chỗ đất cao, dày tránh tưới tiêu bằng nước ngầm. 

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng cũng cho biết thêm, để cây xanh phát triển tốt, thứ nhất là giống cây trồng phải tốt; thứ hai là giai đoạn đầu phải chống cây; thứ ba là ngoài sự chăm sóc của Công ty cây xanh cần ý thức tham gia từ phía cộng đồng người dân. Có như vậy mới mong cây xanh phát triển tốt để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Thuỵ Khanh