Áp dụng Phòng thí nghiệm tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội DTTS
Xã hội - Ngày đăng : 13:54, 21/12/2020
Dự án với mục tiêu tạo ra hệ sinh thái nhằm hỗ trợ cho các bên liên quan xây dựng và thực nghiệm các giải pháp sáng tạo, tích hợp; một chu trình học hỏi tích cực, toàn diện cho chính quyền các cấp từ Trung ương và địa phương chia sẻ, tiếp thu, ứng dụng các cách tiếp cận Phòng thí nghiệm tăng tốc (Accelerator Lab) và quản trị Tiên lượng, Thích ứng và Linh hoạt nhằm tăng tốc giảm nghèo đa chiều tại các vùng DTTS. Góp phần thúc đẩy việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, như: Xoá nghèo, Bình đẳng giới, Không còn nghèo đói, Việc làm phù hợp và Tăng trưởng kinh tế, Giảm bất bình đẳng…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Lễ công bố và ký kết Dự án |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã giới thiệu khái quát về quá trình xây dựng và một số nội dung chính của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Bộ trưởng đánh giá, thời gian qua, công tác dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư, nguồn lực Chính phủ phê duyệt trên 137.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội đồng bào DTTS và miền núi còn gặp phải nhiều thách thức và hạn chế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.
Do đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến mong đợi thông qua Dự án thực hiện cùng UNDP về Tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đa chiều trong DTTS tại Việt Nam, công tác vận động, tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghiên cứu, giám sát đánh giá chính sách, năng lực tổ chức, hoạch định và thực hiện chính sách phát triển DTTS... từ Trung ương đến địa phương sẽ được tăng cường. Qua đó, đội ngũ cán bộ có thể hoạch định được chính sách và tham mưu giúp địa phương xây dựng được chính sách phù hợp, thực tế và đạt hiệu quả cao.
Toàn cảnh Lễ công bố Dự án Tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo trong dân tộc thiểu số |
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam rất ấn tượng và được quốc tế công nhận. Dự án là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ các kiến thức về các giải pháp sáng tạo, các điều kiện cần và đủ, tạo ra không gian thử nghiệm, tiếp thu, ứng dụng tiếp cận Phòng thí nghiệm tăng tốc cho các mô hình thành công cũng như trở ngại trong nhân rộng và thực thi phù hợp với điều kiện của các địa phương, góp phần tăng tốc giảm nghèo đa chiều và phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.
Phương pháp tiếp cận Phòng thí nghiệm tăng tốc nhằm đẩy nhanh việc đạt được kết quả: tìm ra các điểm nghẽn trong việc nhân rộng các thí điểm quy mô nhỏ, xác định các giải pháp sẵn có (tại địa phương và bên ngoài), thiết kế và tiến hành một số vòng thử nghiệm nhanh để xác định các giải pháp mới, áp dụng và hoàn thiện các giải pháp đã thử nghiệm ở quy mô ngày càng lớn hơn (thôn, xã và huyện), thể chế hóa/nhân rộng các giải pháp đã thử nghiệm ở quy mô cấp tỉnh/khu vực và quốc gia.
Lễ Ký kết Văn kiện Dự án có sự chứng kiến của các Đại sứ, lãnh đạo và toàn thể đại biểu các đơn vị |
Theo lộ trình thực hiện, Dự án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2020 - 2021): Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, dựa trên kết quả hỗ trợ các giải pháp sáng tạo, hiệu quả ở các địa phương, gồm Lào Cai và Sơn La. Hỗ trợ xác định, thử nghiệm nhanh và áp dụng các giải pháp sáng tạo, đột phá và tích hợp trong giảm nghèo đa chiều và phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS tại 2 tỉnh Sơn La, Lào Cai và nhân rộng ra các địa phương khác trong Chương trình. Giai đoạn 2 (2020 - 2021): Hỗ trợ nhân rộng các giải pháp sáng tạo, tích hợp, đột phát thành công cùng với các điều kiện cần và đủ để giảm nghèo đa chiều và phát triển kinh tế - xã hội trong Chương trình MTQG hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi và và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội chung ở các vùng DTTS.