Bão số 14 hướng vào vùng biển Cà Mau – Kiên Giang

Tin tức - Ngày đăng : 11:29, 21/12/2020

(TN&MT) - Do tác động của khối không khí lạnh tương đối mạnh, bão số 14 đang có xu hướng di chuyển về phía Nam, đi vào vùng biển các tỉnh từ Cà Mau đến Kiên Giang.

Đó là nhận định được ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về ứng phó với bão số 14, sáng 21/12, tại Hà Nội.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp

Có thể là cơn bão cuối cùng trong năm 2020

Theo ông Khiêm, khoảng 7 giờ sáng nay (21/12), bão số 14 nằm ngay trên khu vực quần đảo Trường Sa ở vĩ tuyến 9,2; kinh tuyến 112,5; tốc độ di chuyển ở mức 10 - 15km. Theo phân tích của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hiện tại, cường độ cơn bão ở mức cấp 8, giật cấp 10. Với cường độ này, cùng với đặc tính ở vùng biển có nhiệt độ tương đối thấp (khoảng 22 - 23 độ), các điều kiện động lực không có nhiều khả năng làm bão mạnh lên. Nhiều khả năng trong khoảng 12 - 24 giờ tới, bão duy trì cường độ cấp 8, giật cấp 10, sau đó suy yếu dần.

Với xu thế di chuyển và cường độ như trên, dự báo vùng biển Trường Sa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; vùng biển ngoài khơi Nam Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, có khả năng gây nguy hiểm đến tàu thuyền đang hoạt động trên khu vực này.

Trên đất liền, ảnh hưởng bão số 14 có khả năng gió mạnh cấp 6. Tuy vậy, với tốc độ di chuyển theo dự báo hiện nay, ngày và đêm mai (22/12) sẽ xuất hiện các đợt mưa ở Nam Bộ với tổng lượng mưa khoảng 30 - 70mm, cục bộ một số nơi có thể cao hơn.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin tại cuộc họp

“Đáng chú ý, nhận định xa của chúng tôi, sau cơn bão số 14, chưa thấy dấu hiệu hình thành nhiễu động; cho nên khả năng cơn bão số 14 là cơn bão cuối cùng của năm 2020”, ông Khiêm thông tin.

Sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6 giờ sáng nay (21/12), các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 515 phường tiện/348.974 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó, có 108/753 người hoạt động khu vực quần đảo Trường Sa (các phương tiện chủ yếu đã neo đậu tránh trú tại khu vực quần đảo Trường Sa), 47.628 tàu/283.867 người neo đậu tại các bến…

Còn theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến 6 giờ ngày 21/12, số lượng tàu thuyền được kiểm đếm tại các vùng nước cảng biển do Cảng vụ hàng hải từ Quy Nhơn đến Kiên Giang, Cà Mau quản lý là 1.425 tàu thuyền, trong đó ,có 538 tàu biển và 887 phương tiện thủy nội địa.

Trước nhận định xu hướng và diễn biến tác động của bão số 14, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ướng về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, theo dự báo, khu vực bão đổ bộ là khu vực số lượng tàu thuyền hoạt động tương đối đông. Đặc biệt là phía bão đang hướng vào, lượng tàu thuyền còn nhiều hơn, có những vị trí gần 2.000 tàu thuyền trong phạm vi hẹp.

Đường đi và vị trí bão số 14 cập nhật tại bản tin lúc 9 giờ 21/12 của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia

Do vậy, ông Hoài đề nghị, phải tiếp tục thông báo cho ngư dân khu vực ảnh hưởng của bão và khu vực chịu ảnh hưởng gió mùa đông bắc để chủ động phòng tránh, tự đảm bảo an toàn trên biển. Tại khu vực tàu thuyền đang neo đậu, trú tránh, tiếp tục thông tin, Tổng cục Thủy sản theo dõi và lưu ý thời điểm có thể đi ra được.

Ông Hoài cho biết, hệ thống thông tin đã rất quyết liệt nhưng tuyệt đối không được chủ quan, bởi khu vực bão đổ bộ có khả năng chống chịu, kinh nghiệm của chủ phương tiện hết sức hạn chế. Do vậy, vẫn cần tăng cường thông tin, nhất là trong 2 ngày bão mạnh nhất và đi vào khu vực nhiều tàu thuyền nhất. Đồng thời, thông tin kịp thời cho bà con đảm bảo an toàn tính mạng của các hộ nuôi trồng cũng như các lồng bè nuôi trồng trên biển.

“Lực lượng biên phòng, cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng mọi phương án cho công tác cứu hộ, cứu nạn”, ông Hoài đề nghị.

Khu vực ven biển, các Chi cục Thủy lợi cần theo dõi sát tác động của sóng, gió, thủy triều với hệ thống đê biển, kè biển, nhất là khu vực đê biển Cà Mau. Kiểm tra thủy triều mấy ngày gần đây cộng với xác định mất an toàn có thể tính toán sơ tán dân ở những tuyến đê mà chúng ta không an toàn, ngư dân khu vực cửa sông, bãi ngang nếu cần thiết.

Trên đất liền, ngoài đảm bảo an toàn hệ thống công trình hồ chứa, cần theo dõi, chỉ đạo các công ty thủy nông vận hành đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL. Tuy vậy, những trận mưa cuối mùa này cũng là điều kiện thuận lợi để tích trữ nước cho mùa khô năm sau.

“Tăng cường hệ thống thông tin truyền thông, tiếp tục đề nghị bắn pháo hiệu cho tàu thuyền trên biển nắm được thông tin, đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác cho  cho bà con ở dải ven biển trước mọi tình huống với cơn bão này”, ông Hoài nhấn mạnh.

Tuyết Chinh