Tiền Giang: Phát triển bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:08, 01/06/2020
Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp đồng thời với tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư đồng bộ hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp cùng các tỉnh, thành trong khu vực thực hiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết tiểu vùng để phát triển bền vững, căn cơ, mạnh mẽ.
Phát triển bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. |
Riêng nội tỉnh, Tiền Giang cũng có những giải pháp cụ thể cho từng vùng nhằm thúc đẩy sự phát triển một cách đồng bộ, vững chắc. Đối với vùng kinh tế - đô thị trung tâm trong thời gian tới sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa trên địa bàn thành phố Mỹ Tho sang trồng rau, hoa; hình thành vùng nông nghiệp đô thị; nông nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp du lịch; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ đối với những ngành hàng có thế mạnh như vùng trồng rau màu chuyên canh ở huyện Châu Thành, vùng trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo…
Đối với vùng kinh tế - đô thị phía Tây, tỉnh chú trọng nâng tầm ngành hàng lúa gạo trở thành sản phẩm xuất khẩu bền vững, đảm bảo chất lượng, có giá trị gia tăng cao trên cơ sở liên kết, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Khu vực phía Nam tiếp giáp với sông Tiền phát triển ngành hàng cây ăn trái đặc sản theo hướng kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ gắn với ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo hướng GAP đảm bảo an toàn, truy xuất nguồn gốc...
Vùng kinh tế - đô thị phía Đông thì tập trung triển khai các chương trình, giải pháp sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng mà trọng tâm là triển khai hiệu quả Đề án "Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến đến năm 2025", hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có giá trị chế biến xuất khẩu cao.
Để tạo động lực cho chuyển đổi sản xuất đúng hướng và hiệu quả cao, tỉnh coi trọng chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà chủ yếu là công nghệ cao và công nghệ sinh học, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ; ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa, nâng khả năng cạnh tranh...
Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa trên diện tích trên 12.900 ha, trong đó chuyển sang trồng cây ăn trái 9.850 ha, chuyển sang trồng màu và nuôi thủy sản trên 3.000 ha. Ngoài ra, luân canh màu trên nền đất lúa bình quân mỗi năm trên 10.000 ha.
Đặc biệt, tỉnh coi trọng ứng dụng công nghệ sinh học phát triển giống và nâng chất lượng cây trồng trên lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đầu tư thi công hàng loạt công trình thủy lợi phòng chống thiên tai, phục vụ sản xuất, góp phần giúp nông dân thành công trong quá trình chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, vừa phát triển bền vững.
Để mở đường cho việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn Tiền Giang, trong vụ Đông xuân 2018 - 2019, tỉnh đã xây dựng mô hình trình diễn "Ứng dụng máy cấy lúa kết hợp vùi phân bón thông minh" tại xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông và trong vụ Hè thu 2019 tiếp tục thực hiện mô hình trên ở xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè nằm trong vùng ngập lũ phía Tây tỉnh. Mô hình trình diễn cho kết quả tốt, có khả năng nhân rộng trong thời gian tới.
Theo đánh giá, khi chuyển sang trồng cây ăn quả và cây màu, người dân thu lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, đặc biệt là trồng cây ăn trái mang lại lợi nhuận gấp hàng chục lần so với độc canh cây lúa. Về xã hội, sau chuyển đổi, đời sống người dân nông thôn được nâng cao, kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, nhiều xã đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới. Môi trường canh tác được cải thiện do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, canh tác theo hướng an toàn, giảm phát thải khí nhà kính, giúp tiết kiệm nước so với trồng lúa và nhiều lợi ích thiết thực khác…