Quản lý tài nguyên nước – Chủ động, đồng bộ và hiệu quả

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 19:08, 18/12/2020

(TN&MT) - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, năm 2020, Cục đã nỗ lực thực hiện tốt kế hoạch công tác, nổi bật là hoàn thành 100% công tác xây dựng văn bản pháp luật, các đề án, dự án được giao và các nhiệm vụ quản lý thuộc phạm vi được phân công.

Ngày 18/12 tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và Kế hoạch công tác năm 2021. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được của Cục trong công tác quản lý về tài nguyên nước thời gian qua. Thứ trưởng cho rằng, trước diễn biến của thiên tai, thời tiết bất thường, công tác quản lý tài nguyên nước thời gian tới đặt ra yêu cầu phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn. Từ các lưu vực sông nhỏ cho đến các lưu vực lớn, ở những quy mô khác nhau đều đặt ra những vấn đề hết sức cấp bách đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, cùng nhau giải quyết một cách hiệu quả. Để thực hiện được điều này, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc điều phối, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả CCHC

Xác định tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác cải cách hành chính (CCHC) thực hiện chỉ đạo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước xây dựng kế hoạch ứng dụng và triển khai thực hiện hiệu quả công tác này.

Lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước điều hành Hội nghị

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Minh  Khuyến, thời gian qua, Cục đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thông tin giám sát tài nguyên nước nhằm kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân. Tính đến 18/11, hệ thống đã cập nhật tổng cộng 1558 giấy phép về tài nguyên nước các loại, bao gồm: 338 giấy phép xả nước thải; 676 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; 18 giấy phép khai thác, sử dụng nước biển; 243 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; 124 giấy phép thăm dò nước dưới đất và 159 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

Đáng chú ý, thực hiện giám sát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ, đến nay, 100% đã được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hàng ngày. Nhờ có hệ thống này mà số liệu tại các hồ chứa trên 11 lưu vực sông đã được đồng bộ giúp cho công tác quản lý, giám sát được thuận lợi và hiệu quả hơn. Trên cơ sở giám sát thường xuyên, Cục Quản lý tài nguyên nước đã có các văn bản đôn đốc các chủ hồ, địa phương trong việc phát hiện, nhắc nhở kịp thời các chủ hồ phải vận hành theo đúng quy trình và là căn cứ để báo cáo lãnh đạo Bộ phương án chỉ đạo vận hành điều tiết nước các hồ trên 11 lưu vực sông, đặc biệt là trong các trường hợp xảy ra hạn hán, lũ lụt.

Cục thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục hành chính của lĩnh vực tài nguyên nước trên hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến https://dichvucong.monre.gov.vn. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 14 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài nguyên nước theo Quyết định số 2568/QĐ-BTNMT ngày 20/10/2017. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 6 thủ tục hành chính theo Quyết định số 1957/QĐ-BTNMT ngày 19/6/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng hiệu quả (tiết kiệm thời gian, chi phí…) Tính từ đầu năm đến nay, Cục đã tiếp nhận 39 thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến.

Việc ban hành Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước đã rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Theo đó, tổng thời gian của các Quy trình nội bộ đã giảm từ 45 ngày theo quy định xuống còn 40 ngày đối với quy trình cấp mới giấy phép; giảm từ 35 ngày theo quy định xuống còn 33 ngày đối với Quy trình điều chỉnh, gia hạn giấy phép và giảm từ 20 ngày theo quy định xuống còn 17 ngày đối với quy trình cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước.

Thực hiện chặt chẽ cấp phép tài nguyên nước

Công tác cấp phép khai thác nguồn nước là khung pháp lý quan trọng để các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên theo đúng quy định của pháp luật. Tính đến 15/12, Cục Quản lý tài nguyên nước đã thẩm định, trình Bộ cấp 176 giấy phép trong lĩnh vực tài nguyên nước, trong đó, có 30 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; 121 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, nước biển; 1 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 22 giấy phép khai thác nước dưới đất và 2 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

Quang cảnh Hội nghị 

Về cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất, tính đến 12/12, Cục đã thẩm định và trình Bộ phê duyệt tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất; đã phê duyệt 701 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phải thu hơn 10.479 tỷ đồng, trong đó số tiền phải thu năm 2020 là 1.202 tỷ đồng.

Tại địa phương, các Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố thực hiện có hiệu quả công tác cấp phép tài nguyên nước theo thẩm quyền. Thống kê sơ bộ, năm 2020, các địa phương đã cấp được 2.722 giấy phép tài nguyên nước các loại (trong đó, cấp mới 78%; gia hạn, điều chỉnh 22%), trong đó, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước 1480 giấy phép (chiếm 54,3%), khai thác sử dụng nước mặt 309 giấy phép (chiếm 11,4%), thăm dò nước dưới đất 112 giấy phép (chiếm 4,11%), khai thác sử dụng nước dưới đất 749 giấy phép (chiếm 27,5%), hành nghề khoan nước dưới đất 72 giấy phép (chiếm 2,7%). Các địa phương cũng phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho 3.241 công trình khai thác, với tổng số tiền khoảng 640 tỷ đồng; năm 2020, thực hiện thu gần 40 tỷ đồng.

Bảy nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm năm 2021  

Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, năm 2021, Cục Quản lý tài nguyên nước đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.

Lưu vực sông Hồng

Cụ thể, Cục tập trung xây dựng, trình phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; Xây dựng chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; Xây dựng Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025, trình phê duyệt và triển khai thực hiện.

Cùng với đó, Cục chú trọng giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải; theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước; thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trước mắt ưu tiên những vùng bị ảnh hưởng nặng. Điều hòa, phân bổ nguồn nước cho các mục đích sử dụng nước bằng công cụ quan trắc, giám sát tự động trên cơ sở các quy hoạch và hạn ngạch cấp phép khai thác sử dụng nguồn nước.

Cục sẽ thực hiện các giải pháp tổng thể để tăng cường khả năng trữ nước của những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán. Tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế điều phối, giám sát liên ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước lưu vực sông với sự tham gia giám sát của cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước; tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng pháp luật về tài nguyên nước.

Nghiên cứu, thúc đẩy cơ chế chia sẻ, giải quyết tranh chấp, xung đột tài nguyên nước xuyên biên giới theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế; trước mắt là cơ chế chia sẻ thông tin trong vận hành điều tiết nguồn nước; chủ động tham mưu chủ trương, đối sách của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác Mê Công, Mê Công - Lan Thương.

 

Phương Anh