PV GAS lọt vào chung kết cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020
Kinh tế - Ngày đăng : 18:33, 18/12/2020
Cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương tổ chức nhằm ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực, đóng góp của các Nhóm cải tiến với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng tại DN, đồng thời tuyên truyền, thúc đẩy mở rộng việc áp dụng cải tiến năng suất cho các DN trong toàn ngành Công Thương. Sau hơn 2 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hàng chục hồ sơ tham dự đến từ nhiều DN trên toàn quốc.
Trung tâm điều khiển GPP Cà Mau |
Có nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy nâng cao năng suất cho doanh nghiệp (DN), trong đó áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã được minh chứng là một trong các giải pháp hữu hiệu (chi phí đầu tư không đáng kể nhưng hiệu quả mang lại rất rõ rệt trong việc tiết giảm lãng phí, chi phí, nâng cao năng suất chất lượng, chất lượng sản phẩm hàng hóa…) cho DN, đặc biệt trong bối cảnh DN Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực như hiện nay.
Đại diện của PV GAS tại Vòng Chung kết của cuộc thi là Nhóm cải tiến của Công ty Khí Cà Mau với Dự án “Giải pháp cung cấp nguồn khí Permeate Gas dư từ Nhà máy Xử lý khí Cà Mau sử dụng cho Nhà máy Đạm Cà Mau”.
Năm 2018, Nhà máy Xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau) do Công ty khí Cà Mau (KCM) thuộc PV GAS chính thức đi vào hoạt động, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và và đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp khí Việt Nam. Nhà máy GPP Cà Mau sở hữu nhiều công nghệ hàng đầu hiện nay, có yêu cầu cao về mặt kỹ thuật và công nghệ, tạo ra ưu điểm nổi trội so với các nhà máy khác tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức lớn đối với đội ngũ cán bộ công nhân viên KCM trong tiếp nhận và làm chủ công nghệ chưa từng áp dụng ở Việt Nam. Với nỗ lực và lòng quyết tâm, chỉ trong thời gian ngắn sau khi tiếp nhận, tập thể cán bộ KCM đã hoàn toàn làm chủ công nghệ. Trong quá trình này, đội ngũ cán bộ, kỹ sư công ty còn phát huy sức mạnh trí tuệ, tính chủ động và sáng tạo để giải quyết các vấn đề phát sinh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vận hành an toàn, hiệu quả nhà máy. Tiêu biểu có cải tiến kỹ Mặc dù mới tiếp nhận vận hành Nhà máy Xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau) nhưng đội ngũ cán bộ công nhân viên Công ty Khí Cà Mau thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) không chỉ nhanh chóng làm chủ công nghệ, vận hành an toàn – hiệu quả mà còn tích cực nghiên cứu các giải pháp kinh tế - kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Xuất phát từ thực tế, GPP Cà Mau mỗi ngày đốt xả bỏ khoảng 85 nghìn mét khối khí Permeate Gas dư, trong khi đó, Nhà máy Đạm Cà Mau lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp khí nguyên liệu cho sản xuất phân đạm. Nhóm nghiên cứu của Công ty Khí Cà Mau đã nghiên cứu và đưa ra đề xuất cung cấp nguồn khí Permeate Gas dư tại GPP Cà Mau cho Nhà máy Đạm Cà Mau làm nhiên liệu sản xuất.
Một góc công trình GPP Cà Mau |
Giải pháp đã được triển khai thành công và đi vào vận hành thực tế từ tháng 2/2019 với tổng chi phí đầu tư ở mức 12,04 tỷ đồng. Doanh thu của Công ty Khí Cà Mau đã tăng thêm trung bình 1,7 tỷ đồng/tháng nhờ việc bán khí Permeate Gas. Đến tháng 9/2019, Công ty Khí Cà Mau đã thu hồi toàn bộ vốn đầu tư triển khai giải pháp. Đồng thời, giải pháp đã giúp giảm đáng kể lượng khí CO2 phát thải ra môi trường do đốt xả bỏ khí dư thừa.
Về phía Nhà máy Đạm Cà Mau, giải pháp này đã giúp giải quyết hiệu quả bài toán thiếu hụt khí nguyên liệu, giảm chi phí mua khí hàng năm từ 43 tỷ – 67 tỷ đồng/năm; đồng thời, sản lượng phân xưởng amo tăng 10.000 tấn NH3/năm. Giải pháp đã giúp tối ưu hoá năng lượng cho cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau
Giải pháp cung ứng cung cấp nguồn khí Permeate Gas dư được thực hiện thành công đã đánh dấu trình độ kỹ thuật vượt trội, tính sáng tạo và tinh thần cải tiến của đội ngũ cán bộ kỹ sư, công nhân viên PV Gas. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam cũng như trên thế giới, giải pháp tận dụng nguồn khí nhiên liệu dư thừa xả bỏ như này được áp dụng.
Được biết, Vòng chung kết sẽ được chia thành hai phần thi: Phần trình bày của các nhóm xuất sắc nhất và Phần các chuyên gia, doanh nghiệp, chia sẻ, đánh giá, xếp loại với hình thức truyền tải thông điệp hấp dẫn, ấn tượng. 12 Nhóm cải tiến có điểm số cao nhất sẽ tiếp tục thuyết trình trực tiếp trước Hội đồng giám khảo tại Vòng chung kết – dự kiến diễn ra vào ngày 21/12/2020 tại Hà Nội.
Hội đồng giám khảo và Ban Kỹ thuật Cuộc thi gồm Chủ tịch Hội đồng giám khảo TS.Nguyễn Anh Tuấn (Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ); ThS.Nguyễn Thu Hiền (Phó Viện trưởng, Viện Năng suất Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ); PGS.TS Đỗ Thị Ngọc (Đại học Thương mại); TS. Võ Trí Thành (Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh) và ThS. Kiều Nguyễn Việt Hà (Phó Trưởng Phòng, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương).