Việt Nam mới chỉ có 46 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Kinh tế - Ngày đăng : 20:11, 17/12/2020
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại diễn đàn |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP. Tuy nhiên, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là “căn bệnh trầm kha” của nền nông nghiệp nước ta. Trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản Việt Nam bế tắc, những thị trường xuất khẩu lớn Trung Quốc, EU, Mỹ đóng băng cộng thêm tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn và bão lũ, nền nông nghiệp Việt Nam chứng kiến cảnh nông dân mất mùa, doanh nghiệp phá sản và hàng loạt khó khăn trước mắt. Theo TS Vũ Tiến việc ứng dụng công nghệ cao được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt. Đây không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt.
Đồng quan điểm này nhiều đại biểu cho rằng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, là hướng đi cho nông nghiệp Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, dù có nhiều điều kiện thuận lợi, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đến nay, cả nước mới chỉ có 46 doanh nghiệp được các cơ quan có thẩm quyền công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Thực tế, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao hay muốn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đang gặp khó khăn về cơ chế chính sách, nguồn vốn, nhân lực, khoa học - công nghệ, quy hoạch đất đai và thị trường tiêu thụ. Trong đó, nguồn vốn được xem là rào cản lớn hơn cả.
Toàn cảnh hội thảo |
Cần có chính sách hỗ trợ
Chia sẻ tại Diễn đàn, PGS. TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam NNVN (VAAS) cho biết, hiện Việt Nam đang nằm trong Top 15 nhà xuất khẩu nông sản trên thế giới và đứng thứ 2 tại Đông Nam Á. Tổng vốn đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp trong 10 năm qua đã tăng lên nhưng đầu tư cho công nghệ mới thì dường như đang bị giảm xuống.
Để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nhà nước cần tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thị trường khoa học công nghệ như tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tăng cường đầu tư kinh phí cho hệ thống các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam; tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu hoa học và chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng về chuyên môn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu hoa học và chuyển giao công nghệ (đặc biệt là công nghệ cao và nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ);...
Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ để nâng đỡ và tiếp tục phát triển, hoàn thiện những sản phẩm nghiên cứu trở thành hàng hóa chuyển giao đối với các tiến bộ kỹ thuật có nhu cầu lớn, có khả năng tạo hiệu quả cao. Các sáng kiến như câu lạc bộ, liên kết về đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy trao đổi và thương mại hoá các sản phẩm khoa học công nghệ cần được nhà nước hỗ trợ ban đầu.