Phục hồi và trồng mới hơn 3000 ha rừng ngập mặn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:03, 17/12/2020

(TN&MT) - Tính đến cuối năm 2020, với sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (GCF) đã xây dựng hơn 3,500 căn nhà an toàn chống chịu bão, lụt; phục hồi và trồng mới hơn 3,300 ha rừng ngập mặn; triển khai thành công 24 mô hình sinh kế giúp mang lại thu nhập cho các hộ gia đình nghèo ven biển…

Sáng 17/12/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ xây dựng, và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và ban quản lý 7 tỉnh ven biển đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” năm 2020 và dự thảo Kế hoạch thực hiện năm 2021.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Tính đến cuối năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và các trận bão, lụt ở Miền Trung, với sự hỗ trợ của Dự án GCF đã có hơn 3,500 căn nhà an toàn chống chịu bão, lụt được xây dựng, hơn 3,300 ha rừng ngập mặn được trồng mới và phục hồi, giúp giảm hơn  146,000 tCO2e lượng carbon tương đương. Đặc biệt, triển khai thành công 24 mô hình sinh kế giúp mang lại thu nhập cho các hộ gia đình nghèo ven biển. Có hơn 39.000 cán bộ và người dân được tập huấn về lập kế hoạch và đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Giám đốc Dự án cho biết, các cơn bão lớn lịch sử đổ bộ vào miền Trung trong tháng 9,10 và 11 năm nay đã làm sụp đổ, hư hại, tốc mái hàng chục ngàn nhà tại các tỉnh miền Trung, nhưng hầu hết nhà do dự án GCF hỗ trợ vẫn an toàn. Đây là một trong những thành công của dự án, chúng ta cần tổng kết, tuyên truyền để nhân rộng mô hình phát huy hiệu quả của dự án.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đánh giá, hầu hết các nhà được xây dựng theo chương trình này đều rất chắc chắn, vượt hơn các yêu cầu cho phép tiêu chuẩn, và đảm bảo rất là chắc chắn.  

Về nhu cầu nhà ở an toàn chống chịu bão, lụt ở 28 tỉnh ven biển Việt Nam, đại diện Bộ Xây dựng cho hay, chúng ta cần phải xây dựng hơn 100.000 ngôi nhà an toàn; trong đó nhu cầu cấp thiết là cần xây 24.000 ngôi nhà an toàn như vậy ở các khu vực ven biển.

Khẳng định những ngôi nhà an toàn của dự án GCF đã giúp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, đây là một trong những thành công lớn của các ban quản lý dự án trung ương và địa phương, mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và các trận bão, lụt lịch sử nhưng dự án đã gần hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra cho 5 năm thực hiện.

Bà Caitlin Wiesen cam kết sẽ vẫn hỗ trợ Tổng cục Phòng chống Thiên tai và các tỉnh trong việc thực hiện chương trình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng quan trọng này.

Quang cảnh Hội nghị

Theo đại diện UNDP, Mục tiêu của dự án đến năm 2021 là xây 4000 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt, trồng và phục hồi 4000 ha rừng ngập mặn từ đó giảm 1,9 triệu tấn CO2 tương đương và 20.000 người tiếp cận thông tin về biến đổi khí hậu, thiên tai.

Trong năm 2021, Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện 392 ngôi nhà an toàn chống chịu bão lụt còn lại trong kế hoạch hoạt động năm 2020 và xây dựng 437 ngôi nhà trong kế hoạch động 2021 tại 5 tỉnh. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ triển khai hệ thống giám sát nhà ở thông qua phần mềm KoBo. Tiếp tục hỗ trợ Bộ Xây dựng đề xuất gia hạn chương trình nhà an toàn chống chịu bão lụt tại 28 tỉnh ven biển.

“Đặc biệt, tăng độ che phủ và cải thiện chất lượng rừng ngập mặn với mục tiêu trồng và phục hồi 725,06 ha; chăm sóc diện tích 3.381.93 ha rừng ngập mặn tại 5 tỉnh của Dự án”, đại diện UNDP nêu rõ.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm tại 24 xã, 7 tỉnh ven biển và kết nối với hệ thống cảnh báo chung. Tiếp tục hỗ trợ nâng cấp hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của Tổng cục Phòng chống thiên tai; trong đó có cả nâng cấp cơ sở dữ liệu triển khai Nghị định 43/Khung Sendai; công trình dân sinh kinh tế. Ngoài ra, xây dựng mô hình bảo hiểm rủi ro thiên tai và tăng cường hợp tác công tư trong phòng chống/khắc phục hậu quả thiên tai.

Tuyết Chinh