Quảng Nam: Khẩn trương xây dựng các khu TĐC an toàn cho người dân trước Tết Nguyên đán

Xã hội - Ngày đăng : 13:00, 17/12/2020

(TN&MT) - Nhằm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, duy trì phát triển kinh tế sau thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng của bão, lũ vừa qua triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó ưu tiên công tác tái định cư, phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đưa người dân về sinh sống ổn định.

Theo  đó, UBND các huyện, thị xã chủ động sử dụng ngân sách địa phương, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ sửa chữa nhà cho người dân, xây dựng nhà tạm đối với những hộ có nhà bị sập, trôi, chưa có mặt bằng ổn định; sửa chữa, khôi phục các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, các cơ sở y tế, trường học, điện, nước sạch sinh hoạt, đường giao thông trong khu dân cư, thủy lợi,… đảm bảo sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường; tổ chức tốt công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh sau thiên tai; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân bị đói, rét, không có chỗ ở trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Các đợt mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại tỉnh Quảng Nam

UBND các địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khôi phục sản xuất vụ Đông - Xuân năm 2020-2021 đảm bảo đạt hiệu quả, năng suất cao, gắn với khắc phục thiệt hại về giao thông nội đồng, thủy lợi, bồi lấp diện tích canh tác; cải tạo đồng ruộng, đồng thời có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích bị bồi lấp…

Phối hợp với Sở Xây dựng khẩn trương khảo sát, xác định vị trí, lập hồ sơ, thủ tục xây dựng khu tái định cư cho người dân có nhà ở bị trôi, sập hoặc có nguy cơ sạt lở; lấy ý kiến của người dân, cơ quan khoa học chuyên môn đánh giá địa chất, mức độ an toàn, ổn định, quy mô đầu tư, dự kiến nguy cơ tác động để có giải pháp an toàn tại  khu vực xây dựng khu tái định cư.

Quảng Nam đang khẩn trương dựng nhà cho người dân vùng vùng sạt lở, phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đưa người dân về sinh sống ổn định.

Trên cơ sở đó, các huyện chủ động phê duyệt tổng mặt bằng để bố trí đất cho người dân; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tập trung huy động các lực lượng và nguồn lực để xây dựng hạ tầng khu tái đinh cư, làm nhà mới cho các hộ dân; trong đó, tổ chức cắm mốc phân lô ngoài thực địa để triển khai xây dựng công trình nhà ở và nhà sinh hoạt cộng đồng, tính toán quy mô nhà phù hợp với phong tục, tập quán địa phương và mức kinh phí đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất (tối đa 150 triệu đồng/nhà); các thủ tục liên quan đến việc đầu tư hạ tầng khu tái định cư, xây dựng nhà ở cho các hộ dân cần triển khai thực hiện song song, phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đưa người dân về sinh sống ổn định.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương thực hiện các hồ sơ, thủ tục đất đai để xây dựng các khu tái định cư cho người dân có nhà bị trôi, sập.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi tình hình thực phẩm, nhu yếu phẩm tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão, lũ nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán và giáp hạt để kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ.

Người dân khôi phục sản xuất sau thiên tai

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, các đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản, nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bị hư hỏng nghiêm trọng, đời sống dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các huyện miền núi; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, quốc lộ, tỉnh lộ và các đường liên xã, liên thôn bị sạt lở, hư hỏng gây chia cắt; các công trình trường học, bệnh viện, trạm y tế bị hư hỏng nặng; hàng trăm kilômet kè, kênh mương, công trình thủy lợi, bờ sông, bờ biển bị hư hỏng, sạt lở, gây khó khăn cho công tác khắc phục, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn. Ngay sau bão, lũ, các ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn, kịp thời chia sẻ khó khăn, thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, thiên tai khốc liệt, dồn dập nên thiệt hại rất nặng nề, ước tính thiệt hại về kinh tế trên địa bàn tỉnh gần 11.000 tỷ đồng, cần rất nhiều nguồn lực, thời gian, công sức mới khắc phục được.

 

Lan Anh