Việt Nam sẽ tiên phong giảm thiểu rác thải nhựa: Quyết liệt từ gốc
Môi trường - Ngày đăng : 10:16, 17/12/2020
Với trữ lượng khổng lồ và không ngừng tăng theo cấp số nhân, nếu không có cách hiệu quả để “đãi rác tìm vàng”, con người hoàn toàn có khả năng bị rác nhấn chìm trước khi kịp nhìn thấy những ánh kim lấp lánh.
Nếu chỉ dựa vào đội ngũ những người thu gom phế liệu, chúng ta vẫn đãi được một lượng túi ni lông, sản phẩm nhựa và một phần các thứ có thể tái chế, nhưng khối lượng không thể đủ nhiều, rác không đủ sạch cho các nhà máy xử lý được đầu tư hàng trăm triệu USD.
Ảnh minh họa |
Thời gian gần đây, trào lưu sống xanh, bảo vệ môi trường đang được nhiều người hưởng ứng tích cực với hình thức sử dụng ống hút tre, ống hút inox thay cho ống hút nhựa, sử dụng túi giấy, túi vải thay cho túi ni lông. Tuy vậy, số lượng vẫn chưa đáng kể vì nếp sống xã hội đã quen với sự tiện lợi trước mắt của các sản phẩm nhựa dùng một lần mà quên nghĩ đến những tác hại khó có thể “cứu chữa” về sau.
Lập trình thói quen tốt chỉ xảy ra khi chúng ta nhận ra thói quen cũ là xấu. Học sinh vẫn dùng những bữa ăn vội và thức uống nhanh trong đồ nhựa. Người dân ở các công sở, các bà nội trợ, mỗi người một ít đã làm nên khối lượng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa của Việt Nam. Do vậy, ngăn rác thải nhựa đến lúc trở thành chính sách quốc gia để tạo nên thói quen tập thể chứ không chỉ là phong trào nhỏ lẻ.
Bước đầu tiên để giải quyết rác nhựa ở Việt Nam là thay đổi hành vi con người, thứ hai là cải thiện hệ thống thu gom và phân loại rác. Để xử lý rác thải hiệu quả đầu tiên là bước qua những trở ngại trong tư duy, thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần và "xả rác có tâm". Vấn đề mấu chốt ở đây lại là các quy định pháp lý.
Quy định xử phạt với người không phân loại rác từ nguồn được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là một bước đi rất quan trọng. Nhưng để cụ thể hóa bước đi đó, cần nhiều nỗ lực và quyết tâm hơn, cần vừa động viên hướng dẫn, vừa cưỡng chế thực thi mới có thể rút ngắn quá trình dịch chuyển và thay thế công nghệ xử lý rác thải, trước khi chúng ta kiệt sức vì trả giá cho môi trường.
Dịch chuyển nào cũng cần bắt đầu từ nhận thức và ý thức. Vì sao rác là tài nguyên và cần làm gì để rác trở thành tài nguyên, cần trở thành nhận thức của số đông, chứ không chỉ dừng lại ở tư duy của nhà quản lý.
Muốn thay đổi công nghệ xử lý rác theo hướng hiện đại, thân thiện và hiệu quả hơn, muốn rác tạo ra nhiều giá trị hơn, quay trở lại phục vụ con người và làm giàu cho nền kinh tế, không còn cách nào khác là phải quyết liệt phân loại rác từ nguồn. Rác được đãi ngay từ hộ gia đình, từ mỗi cá nhân, dưới sự giám sát, hướng dẫn của các cơ quan có chuyên môn tình hình sẽ rất khác.
Giải quyết rốt ráo vấn đề ô nhiễm rác nói chung và rác thải nhựa nói riêng không thể một sớm một chiều. Làm sạch môi trường không chỉ là việc đi dọn rác hằng ngày và gói gọn trong phạm vi công việc của những công nhân môi trường. Hãy mở lòng để quan tâm nhiều hơn đến thế giới ta đang sống là chiếc chìa khóa để giải quyết tình trạng môi trường đang ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Nên nhớ, 1 giây vứt túi ni lông phải đổi lại hơn 1.000 năm để chúng phân hủy. Cứu lấy môi trường là cứu lấy sức khỏe của chính mình.