Bắc Giang: Công ty Vĩnh Long có mang khoáng sản ra khỏi tỉnh?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 17:31, 16/12/2020
Từ đầu tháng 11/2020, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã nhận được thông tin của người dân thôn Bòng, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang phản ánh có doanh nghiệp trên địa bàn khai thác đất vô tội vạ, vận chuyển xuống tàu để đưa đi tiêu thụ.
Được biết, UBND tỉnh Bắc Giang có Quyết định số 579/ QĐ – UBND, ngày 18/4/2019 do ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang ký về việc cho phép Công ty TNHH MTV Vĩnh Long (Công ty Vĩnh Long) khai thác khóang sản tại khu vực núi Bòng, xã Phượng Sơn, diện tích khai thác 7 ha, trữ lượng khoáng sản 2.073.900m3, trữ lượng khoáng sản dược phép khai thác 1.144.500m3, công suất khai thác 150.000m3/năm, thời hạn khai thác 8 năm.
Cảng rót đất xuống tàu nằm sát điểm mỏ của Công ty Vĩnh Long |
Công ty Vĩnh Long có trách nhiệm tiến hành hoạt động khai thác đất theo đúng tọa độ, diện tích, mức sâu trữ lượng, công suất quy định tại văn bản cho phép khai thác; phải thu hồi tối đa sản phẩm khai thác từ mỏ và các sản phẩm khác (nếu có); báo cáo đúng sản lượng khai thác, cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với dự án khai thác đất san lấp đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 129/QĐ- UBND ngày 5/3/2019 và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Các xe chở đất phải đợi để đưa đất lên tàu |
Đồng thời, lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày được cấp phép khai thác, lắp đặt camera giám sát tại khu vực khai thác để lưu trữ thông tin, thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, quy trình kỷ thuật phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông… Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn phải dừng ngay hoạt đông khai thác, khắc phục kịp thời và báo cáo bằng văn bản với các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, từ khi được cấp giấy phép, khu vực này đã hình thành một đại công trường khai thác đất với nhiều máy xúc cỡ lớn, ô-tô tải và tàu thủy tham gia khai thác, vận chuyển rầm rộ. Đặc biệt, Công ty Vĩnh Long có tới 2 điểm cầu rót đất xuống tàu thuyền, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ. Được biết, giá đất tại tàu khoảng 40.000đ/m3 đối với đất san lấp nền, còn đất để sản xuất gạch giá còn cao hơn nhiều.
Một trong 2 điểm rót đất xuống tàu của Công ty Vĩnh Long hoạt động hết công suất |
Có mặt tại mỏ đất Công ty Vĩnh Long đầu tháng 12/2020, chúng tôi thấy cả mội quả đồi đất, cao vài chục mét, kéo dài gần 600m bị đào bới nham nhỡ, xe tải, máy xúc thi nhau gầm rú, dưới sông là vài con tàu vận tải cỡ lớn đang đợi được “ăn đất”.
Theo nguồn tin của phóng viên, những tàu chở đất này không đổ đất để sản lấp mặt bằng trong huyện Lục Nam, Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang mà được đưa đi Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên… tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đức Đại, Phó phòng TN&MT huyện Lục Ngạn cho biết: Công ty Vĩnh Long được UBND tỉnh cấp phép nhưng phía công ty chỉ được đưa đất đi san lấp một số dự án tại địa bàn tỉnh, chứ không được mang ra ngoài tỉnh, vì điều kiện phòng chỉ có 4 -5 cán bộ nên không thể giám sát hết được tất cả các mỏ trên địa bàn. Vừa qua, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cũng mới kiểm tra mỏ này và tạm thời không cho phép mỏ của Công ty Vĩnh Long đưa đất ra khỏi mỏ, huyện cũng chỉ đạo UBND xã giám sát.
Sau khi Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đến kiểm tra điểm khai thác mỏ của Công ty Vĩnh Long đã tạm thời được chủ mỏ năng rào thép gai |
Phóng viên đề nghị được tiếp cận một số tài liệu như: Giấy phép khai thác khoáng sản, phương án khai thác, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường và Văn bản Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang vừa có kết luận với Công ty Vĩnh Long, nhưng ông Nguyễn Đức Đại, Phó phòng TN&MT huyện Lục Ngạn lấy lý do và không cung cấp.
Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang, Công an tỉnh và các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ sản lượng khai thác, các tàu “lạ” vào lấy đất vận chuyển ra khỏi Bắc Giang tiêu thụ và phương án khai thác mỏ…
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.