Đà Nẵng: Cần có sản phẩm thay thế với mức giá hợp lý để hạn chế sử dụng túi nilon

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 14:01, 16/12/2020

(TN&MT) - Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế túi nilon. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này đang gặp nhiều trở ngại khi mà túi tự hủy có giá thành cao, trong khi đó, người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi thói quen tiện lợi khi sử dụng túi nilon.

Nhiều trở ngại

Những năm gần gần đây, Co.op Mart Đà Nẵng không buôn bán những loại mặt hàng làm bằng nhựa sử dụng một lần như chén, dĩa, ly, ống hút,... Vào tháng 4/2019, Co.op Mart Đà Nẵng triển khai gói thực phẩm bằng lá chuối thay cho túi nilon. Bên cạnh đó, siêu thị đã đưa vào sử dụng túi tự hủy. Túi tự hủy có giá cao hơn túi nilon thường, tuy nhiên, Co.op Mart vẫn giữ quan điểm trong công tác bảo vệ môi trường nên túi tự hủy vẫn được sử dụng và giá cả, chất lượng của sản phẩm vẫn không đổi.

Cầm trên tay bó rau được bó gọn bằng lá chuối và cột chặt bằng dây dừa, bà Nguyễn Thị Lệ (46 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cho biết, những mặt hàng bọc bằng lá chuối dễ đập vào mắt khách hàng hơn là những mặt hàng gói bằng túi nilon hay không có bì.

Những mặt hàng bọc bằng lá chuối dễ đập vào mắt khách hàng hơn là những mặt hàng gói bằng túi nilon hay không có bì.

"Ở quê tôi vẫn sử dụng lá chuối để gói thực phẩm, lá chuối có tính năng thoát ẩm tốt, giúp các loại rau được đảm bảo luôn xanh tươi và không ảnh hưởng đến hàm lượng vitamin của rau. Với tôi, “bao bì” mới này không những bảo vệ môi trường mà còn tăng tính thẩm mỹ cho bó rau, giúp rau xanh, tươi hơn”, bà Lệ nói.

Nếu như ở các siêu thị lớn, phương pháp sử dụng lá chuối để bọc sản phẩm như cần tây, măng tây xanh, rau ngò, rau húng, rau diếp cá, rau ngót, mồng tơi, ngò gai...  được áp dụng phổ biến, thế nhưng, tại các khu chợ truyền thống trên địa bàn Đà Nẵng, phong trào sử dụng lá chuối tươi để bọc các thực phẩm thì còn rất ít. Theo các tiểu thương, việc bọc lá chuối cần nhiều thời gian và công sức nên hiện tại rất ít tiểu thương sử dụng phương pháp này.

Bọc lá chuối không những bảo vệ môi trường mà còn tăng tính thẩm mỹ cho bó rau, giúp rau xanh, tươi hơn

Chị Nguyễn Thị Hạnh My - một giáo viên mầm non tại Đà Nẵng- cho biết, công việc của chị thường đi từ sáng sớm đến chiều muộn, nên sau giờ làm chị sẽ ghé qua chợ để mua đồ ăn, việc cầm theo làn nhựa, hộp nhựa là bất tiện nên chị vẫn sử dụng túi nilon thông thường mà các chủ hàng đưa.

“Tôi biết những tác hại của việc sử dụng túi nilon đối với môi trường, nhưng phải nhắm mắt sử dụng thôi, nó là lựa chọn tiện lợi nhất đối với mình trong những lần đi chợ như thế này” – chị My cho biết.

Cần sự hỗ trợ hợp lý

Theo bà Huỳnh Huyền Trang, tiểu thương tại chợ Cồn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, bà đã biết đến phong trào sử dụng lá chuối thay túi nilon từ lâu nhưng để nhập lá chuối tươi với số lượng ít thì rất khó vì các tiểu thương chỉ buôn bán nhỏ. Nếu các tiểu thương cùng chung tay lại để nhập với số lượng lớn, thì chắc chắn ai ai cũng sẽ sử dụng.

“Trước mắt, chúng tôi hạn chế việc sử dụng túi nilon bằng cách cho các sản phẩm cùng loại vào chung một chiếc túi lớn thay vì dùng nhiều túi nhỏ như trước đây”, bà Trang chia sẻ.

Bà Tô Thị Lộc, tiểu thương bán cá tại chợ Cồn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ, mặc dù rất ý thức việc hạn chế sử dụng túi nylon để bảo vệ môi trường nhưng  mặt hàng hải sản thường có nước và mùi nên khách luôn yêu cầu gói 2 túi nilon.  Theo bà Lộc, để hạn chế sử dụng túi nilon, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sản xuất các loại bao bì khác, vừa tiện lợi, dễ phân huỷ, vừa có có giá cả hợp lý để thay thế túi nilon. Nếu các loại bao bì thân thiện môi trường khác mà có giá cả phù hợp thì bà sẵn sàng thay thế.

Vì tính tiện lợi và giá thành rẻ của túi nilon nên tại nhiều chợ truyền thống, tiểu thương vẫn phải sử dụng

“Để chống rác thải nhựa, đặc biệt là hạn chế sử dụng túi nilon, bên cạnh sự hưởng ứng của các tiểu thương thì cần thay đổi ý thức của người tiêu dùng về sử dụng túi nilon, bên cạnh đó phải có sản phẩm thay thế với mức giá hợp lý”, bà Lộc nói.

Mới đây, UBND TP Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 5637/KH-UBND ngày 24-8-2020 về việc thực hiện "Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn. Theo đó, kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, Đà Nẵng sẽ có 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường dần thay thế cho túi nilon và các sản phẩm bao bì nhựa dùng 1 lần, khó phân hủy; Đến năm 2030, 100% siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế túi nilon và các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; phổ biến và nhân rộng các mô hình sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Để đạt được mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa, xây dựng thành phố môi trường, rất cần sự chung tay hưởng ứng của người dân Đà Nẵng và các bên như nhà sản xuất, nhà thương mại…

Lan Anh