Đánh sập đường dây lừa đảo qua mạng, xuyên quốc gia gần 400 tỷ đồng
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 06:23, 16/12/2020
Theo đó, đầu tháng 11/2020, Phòng An ninh mạng và sử dụng công nghệ cao (ANM & PCTPCNC) Công an tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được đơn trình báo của bà T.T.R và H.T.T.T (cùng trú tại Thừa Thiên Huế) về việc bị một nhóm đối tượng giả danh nhân viên sân bay cấu kết với một đối tượng người nước ngoài lừa đảo hơn 700 triệu đồng.
Xác định tính chất mức độ nghiêm trọng của vụ việc, Phòng ANM & PCTPCNC nhanh chóng xin ý kiến của Ban Giám đốc, xác lập chuyên án đấu tranh.
Đơn vị đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Cục kỹ thuật nghiệp vụ- Bộ Công an điều tra, xác minh làm rõ một đối tượng có liên quan đến đường dây lừa đảo này đang ở TP. Hồ Chí Minh.
Đối tượng Nhân tại cơ quan điều tra |
Sau nhiều ngày theo dõi, đầu tháng 12/2020, đối tượng bị bắt giữ là Lê Thành Nhân (SN 1989, trú tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An; làm nghề lái xe tại TP. Hồ Chí Minh)
Nhân khai nhận vào tháng 5/2020, qua giới thiệu, Nhân làm quen và được một người phụ nữ (hiện đang trú tại Campuchia) rủ tham gia vào một đường dây người nước ngoài lừa đảo tại Việt Nam. Vai trò của Nhân là chịu trách nhiệm liên lạc, nhận và chuyển tiền của các bị hại cho người phụ nữ này.
Từ những thông tin trên, trong thời gian ngắn, lực lượng công an vạch trần thủ đoạn lừa đảo của đường dây tội phạm này: Thông qua mạng xã hội Whatsapp, một số đối tượng người Nigeria giả là quân nhân, bác sĩ nước ngoài... kết bạn, làm quen với phụ nữ Việt Nam. Sau một thời gian trò chuyện, ngỏ lời yêu đương, nhóm đối tượng người nước ngoài này sẽ bày tỏ muốn tặng quà, gửi ngoại tệ giá trị cao cho các bị hại hòng làm mồi nhử. Khi có được thông tin của bị hại, chúng chuyển cho các đối tượng khác sinh sống ở Campuchia để lấy thông tin các tài khoản ngân hàng; sau đó các đối tượng ở Campuchia sẽ cung cấp thông tin cho Nhân tại Việt Nam.
Lúc này, Nhân sẽ “giả danh” nhân viên quản lý và giao hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất gọi điện, thông báo cho các bị hại hiện đang có một kiện hàng của người thân từ nước ngoài gửi về, yêu cầu bị hại nộp các khoản phí qua các tài khoản ngân hàng để hoàn tất thủ tục nhận hàng.
Tang vật thu được |
Với số tiền chiếm đoạt được, trong 2 tháng đầu tiên, Lê Thành Nhân được hưởng 10%; những tháng tiếp theo Nhân được trả công 12 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, từ công tác điều tra mở rộng án, lực lượng công an còn phát hiện nhóm đối tượng người Nigeria kết bạn với một số nam giới tại Việt Nam, tạo giả các hợp đồng làm ăn với số tiền lớn cần chuyển tiền về Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tiền..
Bằng những thủ đoạn này, chỉ từ tháng 6 đến nay, các đối tượng đã lừa đảo hàng trăm nạn nhân trên cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt gần 400 tỷ đồng.
Lực lượng công an cũng đã thu giữ được tại phòng trọ của Nhân ở TP. Hồ Chí Minh 4 máy điện thoại, 16 sim số điện thoại, 1 quyển sổ ghi chép thông tin liên quan đến hoạt động lừa đảo của mình cùng nhiều vỏ sim điện thoại khác…
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.