Quảng Ninh ban hành công văn chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:33, 15/12/2020
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 14/12/2020, bộ phận không khí lạnh mạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Từ ngày 15/12, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xảy ra đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa Đông năm nay với nhiệt độ thấp nhất 11 - 14°C, vùng núi 8 - 11°C, vùng núi cao có nơi dưới 5°C và có khả năng xảy ra băng giá.
Người dân huyện miền núi Ba Chẽ chủ động bổ sung muối cho đàn bò thêm sức đề kháng chống đợt rét đậm đang diễn ra. |
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến của không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở để các cơ quan, đơn vị, nhân dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa biết để chủ động phòng chống; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người nhất là với người già, trẻ nhỏ, học sinh; căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đến người dân, căn cứ vào diễn biến thời tiết của từng thời điểm cụ thể, thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ diện tích cây trồng, hoa màu, thủy sản, các cơ sở chăn nuôi tập trung. Không chăn thả các đàn gia súc, gia cầm ngoài rừng, tại những vùng núi cao khi có nhiệt độ thấp; thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện di chuyển trâu, bò chăn thả ngoài rừng về nuôi nhốt tại chuồng trại của các hộ, đảm bảo 100% trâu, bò được nuôi nhốt trong những ngày nhiệt độ thấp dưới 10°C.
Đồng thời, chủ động bố trí nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống rét đậm, rét hại; triển khai ngay việc đôn đốc hỗ trợ hộ dân tu sửa chuồng trại nuôi nhốt trâu, bò, đảm bảo giữ ấm trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Tiến hành thống kê thiệt hại về cây trồng, vật nuôi do ảnh hưởng của rét hại để kịp thời hỗ trợ cho người dân theo quy định; xã hội hóa các nguồn lực để phòng, chống đảm bảo cây trồng, vật nuôi, thủy sản không bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại. Chịu trách nhiệm giải trình, kiểm điểm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra thiệt hại lớn về cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị chết do nguyên nhân chủ quan, không chủ động phòng tránh; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật tình hình, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh các nội dung phát sinh bất ngờ.
Nhiều hộ chăn nuôi tại xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí chủ động dùng bạt che chắn chuồng trại giữ ấm cho đàn lợn nái |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng; hướng dẫn kỹ thuật về công tác phòng, chống rét đậm, rét hại đối với các cây trồng, vật nuôi, thủy sản; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo về UBND tỉnh qua Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường học trên địa bàn tỉnh chủ động giữ ấm cho học sinh; căn cứ diễn biến thời tiết chủ động đề xuất cho học sinh nghỉ học (nếu cần).
Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống phát thanh, truyền tin ở các xã, thôn, bản thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của đợt rét đậm, rét hại; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Các sở, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các địa phương triển khai thực hiện phòng chống rét đậm, rét hại; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).