Thừa Thiên - Huế: Nơm nớp nỗi lo sạt lở núi
Xã hội - Ngày đăng : 13:54, 15/12/2020
Nơm nớp lo sợ
Nhiều năm nay, 14 hộ dân sống ở khu vực chân đèo Phú Gia (thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) luôn thấp thỏm, lo lắng bởi tình trạng nguy cơ sạt lở núi tại đây. Từ QL1A dễ dàng nhận thấy các dốc dựng đứng, nứt nẻ và sụp xuống tạo thành các khoảng rộng rất nguy hiểm, nguy cơ sạt lở xảy ra bất cứ lúc nào nếu có mưa lớn kéo dài. Từ tuyến đường dẫn vào mỏ đá trước đây, các hộ dân sống rải rác dọc dưới chân núi trong khoảng cách từ 150 - 400 m.
Các hộ dân sống dưới chân núi Phú Gia thấp thỏm bởi các dốc núi dựng đứng, nguy cơ sạt lở cao |
Các hộ dân chủ yếu đời sống dựa vào trồng rừng, sản xuất nông nghiệp. Cứ đến mùa mưa bão, các hộ dân phải di dời khẩn cấp đến các địa điểm an toàn như công trình công cộng hoặc xen ghép trong khu dân cư. Tâm lý “sẵn sàng di tản” luôn thường trực trong cuộc sống của người dân.
Nằm lọt thỏm sát đèo Phú Gia là nhà của ông Ngô Trữ (52 tuổi). Trong nỗi sợ hãi, ông Trữ chia sẻ, khu vực đèo đã từng một lần bị sạt lở kinh hoàng trong cơn lũ lịch sử năm 1999, chôn vùi một căn nhà ngay sát nhà của ông. Những mùa mưa chục năm trở lại đây cũng đã xảy ra sạt lở đất, tuy không gây ra thương vong nhưng khiến vườn tược nhiều hộ dân bị thiệt hại nặng nề.
“Thời tiết ngày một bất thường không biết cả núi đất từ đèo sẽ ập xuống khi nào nữa. Mỗi lần nghe dự báo mưa bão lớn là cả nhà phải đến trú nhờ nhà người thân, chỉ mình tôi ở lại giữ nhà. Đời sống sinh hoạt và làm việc trở nên xáo trộn bấy lâu nay...” - ông Trữ bộc bạch.
Ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến thông tin, khu vực đèo Phú Gia nhiều năm nay luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi với vết nứt gãy lộ rõ trên chiều dài khoảng 200 m, bề ngang khoảng 1,5 m, xuất hiện từ năm 2008. Nguyên nhân do trước đó đơn vị khai thác đất, đá đã đào làm hỏng chân núi. Qua theo dõi của chính quyền địa phương từ năm 2008 đến nay, vết nứt không dài và rộng thêm nhưng nguy cơ sạt trượt vẫn còn rất lớn trong mùa mưa bão. Hiện có 14 hộ với hơn 60 nhân khẩu tại thôn Phú Gia bị ảnh hưởng bởi sạt lở tại đèo này, trong đó có 9 hộ nằm trong diện nguy cơ cao.
Theo ông Cường, nhiều năm qua mỗi lần có bão hay mưa kéo dài, sẽ có một tổ công tác chủ yếu là Công an xã về thông báo và yêu cầu các hộ dân di dời khẩn cấp. Trường hợp nào không đi, UBND xã buộc phải cưỡng chế nhân đạo với phương châm bảo đảm tính mạng trước rồi mới bảo vệ tài sản. Trong những tháng cuối năm 2020, chính quyền địa phương đã 4 lần phát “lệnh” di dời khẩn cấp...
“Qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân và địa phương cũng đã đề xuất chính sách hỗ trợ và có phương án di dời nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân. Theo đó, sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ dân để tái định cư tại xã. Tuy nhiên, các hộ dân không đồng ý di dời do kinh phí hỗ trợ quá ít không thể xây nhà, khu vực tái định cư ở xa nơi sản xuất khiến việc đi lại khó khăn. Vừa qua, địa phương cũng đề xuất huyện hỗ trợ đền bù tài sản trên đất (nhà cửa, công tình hạ tầng) cho các hộ dân di dời nhưng đến nay vẫn không triển khai được do thiếu kinh phí...”, ông Cường nói.
Nhiều ngôi nhà tại Thừa Thiên - Huế nằm cạnh các ngọn núi |
Nhiều nơi nguy cơ sạt lở núi cao
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trượt lở dọc tuyến QL1A qua địa bàn huyện Phú Lộc thường xảy ra tại các đèo Phước Tượng, Phú Gia và bắc Hải Vân. Trong quá khứ, đã từng xuất hiện hàng loạt điểm trượt rất lớn với khối lượng cực lớn 100.000 m3 đất đá trong trận lũ tháng 11/1999. Những mùa mưa lũ tiếp theo, hiện tượng trượt lở vẫn tiếp tục xảy ra trên con đường này. Ngoài sạt lở ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) với khoảng 2 triệu khối đất đá vừa qua, trên địa bàn tỉnh còn nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi, lũ quét đe dọa cuộc sống người dân. Tai biến địa chất trượt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá thường xảy ra ở vùng địa hình núi thấp có độ cao từ 250 - 750 m với độ dốc từ 15 - 25% như ở A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà và Hương Thủy, chiếm khoảng 36% diện tích toàn tỉnh.
Theo ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, để ứng phó lũ quét và trượt lở đất cần có giải pháp công trình và phi công trình. Cụ thể, ngoài tăng cường khả năng thoát lũ của lòng dẫn, xây tường chắn, hồ chứa kiểm soát lũ… cần lắp đặt, vận hành các hệ thống cảnh báo lũ quét cho một số nơi dân cư và các hoạt động kinh tế tập trung mà có nhiều khả năng xuất hiện lũ quét và trượt lở đất; quy hoạch, điều chỉnh khu dân cư tránh những địa điểm thường xảy ra lũ quét và trượt lở đất; cắm các biển báo nơi có nguy xảy ra lũ quét và trượt lở đất; sơ tán khỏi vùng lũ quét và trượt lở đất nhờ các bản tin cảnh báo và dự báo; tăng độ che phủ mặt đệm bằng cách trồng rừng két hợp với phương thức canh tác hợp lý bảo đảm độ ổn định của kết cấu đất; tuyên truyền giáo dục về lũ quét và trượt lở đất, huấn luyện, diễn tập các phương án phòng tránh lũ quét và trượt lở đất phương án phòng tránh lũ quét và sạt lở đất...