Để không còn phải giải cứu nông sản

Kinh tế - Ngày đăng : 09:36, 15/12/2020

(TN&MT) - Cứ mỗi khi thấy những điểm bán nông sản ở lề đường chăng biển “giải cứu”, người dân vẫn thường ngậm ngùi cảnh “được mùa mất giá”, hay tặc lưỡi “chắc biên giới đóng cửa”. Nhưng với người nông dân Hợp tác xa (HTX) rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), họ đã chọn hướng đi riêng là trồng rau sạch, rau hữu cơ an toàn, để rồi chủ động cả về nguồn vật tư đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, ổn định giá cả và đảm bảo thu nhập cho các thành viên.

Những “quả ngọt” đầu tiên

Tới thăm vườn rau của một Tổ hợp tác tại xã Thanh Xuân mới thấy được sự chỉn chu, tỉ mỉ trong canh tác rau hữu cơ, an toàn tại đây. Vườn rau không chỉ trồng rau mà còn trồng nhiều loại hoa đồng nội ở đầu bờ. Từng luống rau xanh mướt ngay hàng thẳng lối, có màn lưới bao quanh để che chắn các loại côn trùng và tán mưa. Điểm đặc biệt, luống rau nào cũng trồng xen lẫn ít nhất từ 2 - 3 loại rau chứ không chuyên 1 loại rau nào.

Theo chị Hoàng Thị Hậu, Giám đốc HTX nông nghiệp sinh thái Thanh Xuân, đây là một trong những kỹ thuật canh tác rau sinh thái nhằm giảm bớt sâu bệnh. Sâu ăn rau này thường sẽ không thích ăn rau khác và việc trồng xen giống như tạo một bức tường sinh học, ngăn sâu bệnh lan rộng. Với rau vụ đông như họ rau cải, có thể trồng xen tới 5 loại trong 1 luống, trồng những rau có nhựa như xà lách xung quanh có thể đuổi bọ nhảy. Việc trồng hoa cũng là một giải pháp sinh học để thu hút thiên địch của các loại sâu bệnh hại. Và đây chỉ là một vài trong số những kỹ thuật cơ bản về canh tác rau hữu cơ, rau an toàn mà bất cứ Tổ hợp tác, thành viên nào trong hợp tác xã đều phải áp dụng.

Hiên nay, HTX tập trung sản xuất các loại rau, củ, quả với 46 chủng loại khác nhau. Mỗi ngày xuất khoảng 1,5 tấn rau sạch. Trong đó, 60% là rau trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ của Đan Mạch PGS và 40% là rau an toàn Vietgap.

Một trong những “bài tập” đầu tiên cho những hộ nông dân tham gia hợp tác là canh tác thử để xem hiệu quả của việc cải tạo môi trường đất. Mùa vụ đầu tiên, năng suất giảm hẳn so với canh tác thường, nhưng đến năm 2, 3 thì sản lượng có thể ngang nhau. Không đơn thuần là sản xuất, HTX chủ trương để cho người nông dân tự nhận thức được việc đảm bảo tuân thủ yêu cầu về giống, tính chất mùa vụ và cải tiến kỹ thuật theo hướng dựa vào tự nhiên sẽ giúp nâng chất lượng sản phẩm như thế nào, đồng thời lại giảm chi phí và công sức.

Thực tế, giá rau ở Thanh Xuân luôn ổn định, dao động từ 15 - 25 nghìn đồng/kg và luôn được người tiêu dùng đón nhận. “Ổn định là điều người nông dân quan tâm nhất hiện nay”, chị Hậu khẳng định. Để đảm bảo yếu tố này, HTX đã chủ động tìm kiếm đầu ra và sản xuất theo đơn đặt hàng. Khi có đơn đặt hàng, lãnh đạo HTX sẽ cân đối dựa trên lượng rau còn trên đồng ruộng, dự kiến sản lượng để không vi phạm đơn hàng khác và lên Kế hoạch sản xuất cho các thành viên.

“Có những lúc giá bán cho HTX thấp hơn đến 50% ngoài thị trường do giáp hạt hay thời tiết, nhưng bình thường là cao hơn nhiều. Người nông dân chỉ phải sản xuất và có thu nhập cố định mỗi tháng. Họ chán bài giải cứu rồi”, vị Giám đốc HTX tâm huyết với ruộng đồng cười bảo.

Vườn rau xen canh như “bức tường sinh thái” ngăn sâu bệnh hại

Cần cơ chế cho sản phẩm hữu cơ

HTX Thanh Xuân thực hành song song 2 phương pháp canh tác PGS và Vietgap, nhưng thực tế cho thấy năng suất cây trồng đang chênh nhau. PGS chỉ đạt 70% sản lượng dự kiến theo kỹ thuật sản xuất trên chủng loại cây trồng, trong khi Vietgap đạt 85 - 90%. Lý do là canh tác hữu cơ chuẩn PGS hoàn toàn không dùng hóa chất nên thời gian sinh trưởng dài hơn. Dinh dưỡng trong đất cần thời gian dài mới phục hồi nên dù có dùng phân chuồng hoai mục bổ sung, nguồn đạm, lân tự nhiên rất hạn chế. Trong khi đó, Vietgap tuân thủ các quy định an toàn trong sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nên mẫu mã, năng suất đều nhỉnh hơn.

Hạn chế như vậy nên có những đơn hàng lớn vượt quá khả năng sản xuất, HTX đều không thể nhận. Do nhu cầu ngày càng tăng, rau theo chuẩn PGS khó đáp ứng được nên trong năm 2021, dự kiến HTX Thanh Xuân sẽ nâng sản lượng rau Vietgap chiếm đến 70%.

Chia sẻ về nỗi trăn trở làm sao để rau hữu cơ trở thành hàng hóa đúng nghĩa mà không chỉ là một thực hành canh tác sinh thái, chị Hậu cho rằng: Cần phải thay đổi nếp sản xuất theo hướng chuyên canh hơn. Nông nghiệp hữu cơ hiện nay chú trọng đa canh, xen canh trên cùng một diện tích, nhưng thực ra vẫn có thể chuyên canh. Ví dụ, thay vì trồng hơn 10 chủng loại rau như hiện nay, mỗi Tổ hợp tác chỉ trồng 3 - 4 sản phẩm, luân chuyển các nhóm theo Kế hoạch mùa vụ hàng năm để có sản lượng đưa vào hệ thống; chuyên nghiệp ở khâu sơ chế, làm mẫu mã và nâng giá thành. Nếu làm được, đây cũng là cơ hội để nghiên cứu, triển khai bài bản hơn về phòng chống sâu bệnh trong suốt quá trình sản xuất, từ lựa chọn giống, chất đất phù hợp, tính chất mùa vụ, giải pháp sinh học phòng dịch…

Hiện tại, quy mô HTX Thanh Xuân đã lên tới 161 thành viên, trong đó có 100 thành viên liên kết, là các đơn vị cung ứng vật tư, nông dân, HTX, doanh nghiệp tiêu thụ. Theo chị Hậu, các thành viên liên kết rất quan trọng, bởi liên kết theo chuỗi giá trị nông sản càng mở rộng càng chứng minh sản phẩm được chuẩn hóa. Để phát triển bền vững, HTX không thể chỉ là nơi tập hợp các nông hộ và còn đóng vai trò kết nối chặt chẽ các bên, làm sao đem lại lợi nhuận cao nhất cho nông dân.

Đảm bảo lợi ích tối đa cho các bên tham gia hệ sinh thái, đó có thể coi là tổn chỉ của nông nghiệp sinh thái.

Khánh Ly