Bình Định: Vụ Đông Xuân trở lại trên cánh đồng Vĩnh Thạnh sau những ngày mưa lũ
Xã hội - Ngày đăng : 20:31, 14/12/2020
Qua các trận mưa bão từ cơn bão số 9 đến số 12 vừa qua, cuộc sống của gia đình bà Đỗ Thị Chín ở thôn Vĩnh Thái, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nhà cửa bị hư hỏng, đàn gà bị lũ cuốn trôi, 3 sào ruộng mùa vụ bấp bênh bị mất trắng trôi theo dòng nước.
Người dân Vĩnh Thạnh gác lại tất cả khó khăn sau lũ để bắt đầu sản xuất vụ Đông Xuân |
Những ngày mưa gió ấy, bà Chín tranh thủ ra đồng vớt vát đám ruộng chỉ thu hoạch được một bao lúa nhỏ ẩm ướt mang về nhà trong tâm trạng đầy nước mắt cơ cực. Cả cuộc đời bà chỉ gắn bó với nghề làm ruộng, chỉ có hạt lúa mới nuôi sống cả gia đình bà quanh năm không bị cái đói bao vây. Biết là vụ mùa bấp bênh, ông trời thương thì cho lúa, không thương thì cướp đi, thế nhưng bà vẫn làm vì gia đình cần lương thực để sinh sống.
Bà Đỗ Thị Chín ở thôn Vĩnh Thái, xã Vĩnh Thịnh chia sẻ khó khăn sau mưa lũ |
Chia sẻ với PV Báo TN&MT bà Đỗ Thị Chín tâm sự: Mỗi năm đúng ra chỉ làm hai vụ mùa chính là Đông Xuân và Hè Thu, nhưng vì nhà đông con nên phải làm cố làm thêm vụ mùa bấp bênh. Thế mà mưa bão vừa rồi cuốn trôi hết 3 sào ruộng đến thời kỳ thu hoạch khiến gia đình lâm cảnh khó khăn hơn, chưa kể đàn gà 100 con bị lũ cuốn trôi, nhà bị tốc mái trơ trọi mưa tuôn xối xả vào nhà thảm cảnh. Chúng tôi đang chờ các cấp chính quyền hỗ trợ thiệt hại cho bà con để ổn định cuộc sống. Trước mắt gia đình đang tập trung làm cày ruộng để kịp gieo giống mùa vụ Đồng Xuân. Đến nay 3 sào ruộng của gia đình đã cày xong chỉ chờ xuống giống.
Người dân san gạt mặt bằng ruộng |
Cùng chung cảnh ngộ với bà Chín, chị Từ Thị Tuyết Mai ở thôn Vĩnh Thái, xã Vĩnh Thịnh chia sẻ: Gia đình tôi làm 4 sào lúa vụ mùa bấp bênh do mưa bão làm hư hại chỉ thu hoạch về có 6 bao lúa. Vụ Đông Xuân là vụ chính nên gia đình tập trung xuống đồng sản xuất cho kịp mùa vụ, mặc dù chúng tôi còn nhiều túng thiếu nhưng cũng không thể trông chờ vào nhà nước hỗ trợ tái sản xuất mà tự mình xoay xở đảm bảo giống sản xuất cho vụ Đông Xuân.
Tập trung cày đất để chuẩn bị gieo sạ vụ Đông Xuân |
Không chỉ riêng gia đình bà Chín hay chị Mai mà nhiều gia đình nông dân khác của xã Vĩnh Thịnh đều tranh thủ ra đồng cải tạo, khắc phục những diện tích ruộng bị sạt lở, sa bồi thủy phá và nhanh chóng đắp đập ngăn bờ sạ ruộng.
Cánh cò đậu trên ô vuông ruộng pha lẫn màu xanh cỏ non |
Trên cánh đồng màu bùn đất, màu xám tro xen lẫn màu xanh cỏ dại mọc lún phún cùng với màu xanh của các loại rau pha lẫn giữa trời mưa phùn lất phất, thỉnh thoảng có màu nắng nhẹ nhàng lướt qua lại hiện hữu cánh cò trắng đậu trên ô vuông vẻ đường ngang, đường dọc như bàn cờ trong khoảng không gian mênh mông xa tít đường chân trời tạo nên bức tranh đồng quê bình dị, mộc mạc mà gần gũi thân thương.
Phun bột diệt ốc trước khi gieo sạ |
Mặc dù thời gian đã quá buổi trưa nhưng bà con nông dân vẫn không nghỉ ngơi mà cần mẫn, chăm chỉ cày bừa đám ruộng dở dang đến lúc hoàn thành mới chịu trở về nhà. Người cày, người bừa, người kéo cây san gạt mặt ruộng, người phun thuốc, phun bột diệt ốc hại lúa, người đắp đập, người gieo giống, tất cả đều trong tâm thế hối hả, khẩn trương để kịp xuống giống vụ mới theo quy luật tự nhiên của cây lúa.
Phun thuốc diệt ốc |
Để hỗ trợ bà con nhân dân gieo sạ đúng vụ Đông Xuân, UBND huyện Vĩnh Thạnh phân bổ kinh phí 55 triệu đồng để khắc phục sa bồi thủy phá kênh mương, đồng ruộng. Ông Huỳnh Văn Hồng – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp –PTNT huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Phần lớn các hạng mục công trình giao thông, thủy lợi bị mưa lũ làm hư hỏng, sạt lở cơ bản được khắc phục tạm. UBND huyện cũng hoàn thành tu sửa hệ thống kênh mương thủy lợi, chuẩn bị đầy đủ lúa giống, vật tư phân bón cung ứng cho nông dân sản xuất vụ Đông Xuân.
Người dân xuống giống vụ Đông Xuân 2020-2021 |
Ông Hồng chia sẻ: Hiện bà con đang bắt đầu sạ ruộng xuống giống. Cây lúa phải trồng theo quy luật sạ sau đại tiết và trổ sau lập xuân thời tiết ấm áp. Trên địa bàn huyện có trên 1.000ha lúa thì riêng xã Vĩnh Thịnh đã có hơn 300ha. Vĩnh Thạnh là huyện miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, người dân chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp nhưng chính là cây lúa và chăn nuôi, trồng trọt, nên cứ đến thời điểm mùa vụ chính thì dù gia cảnh khó khăn đến đâu họ đều tập trung nhân lực, vật lực, kinh phí phục vụ sản xuất để có nguồn lương thực nuôi sống gia đình.
Những bao lúa chở niềm hy vọng của người dân Vĩnh Thạnh vào mùa vụ mới |