Hỗ trợ nhanh nhất, đúng nhất để tái cơ cấu nông nghiệp miền Trung sau bão lũ

Xã hội - Ngày đăng : 20:30, 14/12/2020

(TN&MT) - Làm gì để phát triển nông nghiệp miền Trung theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là những vấn đề cần được giải đáp trong giai đoạn hiện nay? Với tinh thần đó, chiều 14/12, Bộ NN&PTNT phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức tọa đàm trực tuyến: "Tái cơ cấu nông nghiệp miền Trung sau bão lũ- Phát triển nông nghiệp miền Trung theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu".

Thiệt hại nặng nề trên cả 3 lĩnh vực

Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, đợt mưa lũ và bão lịch sử xảy ra ở miền Trung vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp trên cả 3 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; nặng nề nhất là các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên.

Các đại biểu dự Tọa đàm. Ảnh: Dân Việt

Các địa phương như: Quảng Trị, Hà Tĩnh… chịu thiệt hại lớn nhất với rất nhiều diện tích rau màu gần như bị mất trắng; diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả bị ảnh hưởng gần 7.000ha, trong đó lớn nhất là cây thanh trà ở Huế bị thiệt hại tới hơn 500ha.

Theo thống kê, bên cạnh thiệt hại về diện tích cây trồng, mưa lũ còn làm trên 2.600ha đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp ở các mức độ khác nhau, riêng Quảng Trị có tới 1.700ha bị vùi lấp. Mặc dù hầu hết diện tích lúa bà con đã cơ bản thu hoạch xong, nhưng nhiều diện tích chuẩn bị cho vụ đông xuân tới thì có thể nói gần như mất trắng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho phục hồi sản xuất mà còn ảnh hưởng đến nguồn kinh phí mua giống phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con trong vụ thu đông và vụ đông xuân tới đây.

Kích hoạt hệ thống khuyến nông địa phương

Với tình hình thiệt hại rất lớn như thế, ngoài phần hỗ trợ của Trung ương, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các tỉnh từ nguồn vốn của mình nhanh chóng có các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho nông dân. Đồng thời, bản thân các hộ nông dân cũng cần phát huy tinh thần chủ động, tích cực khôi phục sản xuất, trước mắt là sản xuất các loại cây ngắn ngày, rau củ để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng có văn bản trình Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về việc hỗ trợ các địa phương một lượng giống tối đa, với khả năng của mình làm sao hỗ trợ nhanh nhất, đúng nhất, phù hợp với yêu cầu cấp bách của nông dân các địa phương.

Theo ông Cường, với những cây giống không có trong danh mục hỗ trợ, các địa phương có thể linh động hỗ trợ tiền để bà con mua giống kịp thời, đi kèm với giới thiệu địa chỉ cung cấp giống đảm bảo uy tín, chất lượng.

Liên quan vấn đề này, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho hay, ngay sau khi bão lũ xảy ra, Trung tâm đi kiểm tra, khảo sát tình hình khắc phục sau bão lũ tại các đại phương. Bên cạnh việc phổ biến các giải pháp kỹ thuật, hướng dẫn bà con khắc phục hậu quả thiên tai, phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông, cảnh báo nhiều hơn về những bất thuận của thời tiết, những tình huống có thể xảy ra.

"Đặc biệt, chúng tôi đã kích hoạt hệ thống khuyến nông địa phương, tìm hiểu ngay nhu cầu của bà con sau bão lũ để khắc phục sản xuất một cách hiệu quả, sát với nhu cầu thực tiễn", ông Thanh nói.

Tại các địa phương, lực lượng khuyến nông cũng triển khai tập huấn ngay cho bà con định hướng, giải pháp khắc phục trồng trọt, chăn nuôi sau mưa bão, hướng dẫn kỹ thuật chi tiết các công việc cải tạo đất đai, cây trồng. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã nhanh chóng xây dựng và in ấn 3 tờ hướng dẫn cách khắc phục để phát đến tận tay bà con. Trong đó tập trung vào cây có múi; cây hồ tiêu; giải pháp khắc phục sản xuất ở những diện tích bị bồi lấp.

Thiên tai dồn dập gây thiệt hại nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung

Mặt khác, hiện có hơn 2.000ha đất sản xuất bị bồi lắng, có nơi bị bồi lấp 5-10cm, có nơi cả mét, có nơi bị bồi cát, nơi thì bị bồi đất sét, sỏi đá… Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp Viện KHNN Việt Nam tìm hướng xử lý phù hợp từng vùng bị thiệt hại.

“Trung tâm đang trình lên Bộ NN&PTNT các giải pháp mang tính chất tạm thời, song điều quan trọng hơn là chúng ta phải tìm giải pháp làm thế nào để tái cơ cấu cho những vùng lũ đó. Bởi đó là những vùng năm nào cũng có mưa lũ, năm nào bà con cũng bị thiệt hại”, ông Thanh nhấn mạnh.

Lên kế hoạch hỗ trợ cụ thể, sát thực tế

Trước câu hỏi “Sau đợt bão lũ lịch sử, Bộ NN&PTNT có đánh giá cụ thể như thế nào về các thiệt hại trong lĩnh vực chăn nuôi ở khu vực miền Trung?”, ông Nguyễn Xuân Dương - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, ở phương diện toàn ngành, những thiệt hại ở các tỉnh miền Trung vừa qua không quá nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp. Đơn cử như thiệt hại đối với đàn gia cầm chỉ mất 0.69%. Song, với khu vực miền Trung – nơi bà con chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi thì thiên tai đã gây thiệt hại hết sức nặng nề.

Sau khi thiên tai xảy ra, các đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã vào tận nơi để khảo sát, phối hợp với địa phương vừa khắc phục thiệt hại vừa khôi phục sản xuất. Trước hết là thay mới chuồng trại và tái đàn ngay đàn gia súc, gia cầm.

Bộ NN&PTNT đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ người dân con giống gia cầm 1 ngày tuổi (các con giống này có chất lượng cao được úm, tiêm vắc xin cần thận trước khi cấp cho bà con), họ ít được hỗ trợ 50 con, hộ nhiều được 100 con... Riêng với con lợn, do thời gian nuôi dài và đang có dịch tả lợn châu Phi nên bà con được khuyến cáo thận trọng, tái đàn có kiểm soát và theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.

“Hiện tại, việc hỗ trợ gia cầm đã đạt hiệu quả. Có nhiều hộ đã bán được lứa gia cầm đầu tiên và có thu nhập khá”, ông Dương chia sẻ.

Ngoài ra, để hỗ trợ hiệu quả cho bà con miền Trung, Cục Chăn nuôi đã lên kế hoạch rất cụ thể, sát thực tế. Hiện đã kêu gọi được các doanh nghiệp hỗ trợ khoảng 16,7 tỷ đồng, 300.000 tấn thức ăn, 1,1 triệu con giống gia cầm... giúp cho bà con các tỉnh miền Trung vơi bắt khó khăn và dần khôi phục được sản xuất hiệu quả.

"Một trong những nhu cầu sinh kế cấp thiết, đảm bảo nhu cầu trước mắt cho người dân đó là tích cực hỗ trợ người dân các cây rau màu ngắn ngày, song song đó là phát triển cây vụ đông. Tiếp tục, hỗ trợ người dân sản xuất vụ đông xuân (cuối tháng 12- đầu tháng 1/2021).
Trong đó, trọng tâm là hỗ trợ người dân sản xuất các loại rau màu ngắn ngày để người dân có nguồn rau xanh cung cấp tại chỗ, phục vụ thị trường tại chỗ; có kế hoạch đảm bảo xa hơn, có đủ lượng rau cung cấp đặc biệt cho dịp Tết Nguyên đán", ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Tuyết Chinh